Cách tính phí bảo hiểm vật chất xe ô tô mới nhất hiện nay

Thị trường ô tô | 27/11/2019

Biết được cách tính phí bảo hiểm vật chất xe ô tô giúp cho chủ xe chủ động trong việc lựa chọn gói bảo hiểm xe phù hợp đồng thời cảm thấy yên tâm hơn trong suốt quá trình sử dụng xe.

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Bảo hiểm vật chất xe ô tô là gói bảo hiểm tự nguyện khi mua xe. Nhưng trong thực tế, gói bảo hiểm vật chất xe ô tô lại rất quan trọng, giúp cho chủ xe yên tâm hơn trong suốt quá trình sử dụng. Bởi đây là gói bảo hiểm bảo vệ thân vỏ, máy móc trên xe ô tô... và nếu trong trường hợp xe bị va chạm, xây xước, hỏng hóc, phía bảo hiểm sẽ chia sẻ rủi ro cùng với chủ xe, giúp chủ xe giảm thiểu áp lực về mặt tài chính.

Cách tính phí bảo hiểm vật chất xe ô tô mới nhất hiện nay 1.

Bảo hiểm vật chất xe ô tô là gói bảo hiểm quan trọng mà chủ xe nên đăng ký sử dụng dù không bắt buộc

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gói bảo hiểm vật chất với giá thành và đối tượng, nội dung áp dụng khác nhau. Và tùy vào từng gói bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ có các dịch vụ đi kèm phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế của người mua.

Phí bảo hiểm vật chất nhìn chung phụ thuộc chủ yếu vào 5 yếu tố sau: phạm vi bảo hiểm, giá trị thực của xe, thời hạn bảo hiểm, mức miễn thường và tỷ lệ phí. Dưới đây, Oto.com.vn sẽ chia sẻ cách tính phí bảo hiểm vật chất xe ô tô phổ biến nhất hiện nay để quý độc giả có thể chủ động lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.

Cách tính phí bảo hiểm vật chất xe ô tô

Phí bảo hiểm vật chất = giá trị thực của xe x tỷ lệ phí.

Trong đó:

Xác định giá trị thực của xe:

Giá trị thực của xe = tỷ lệ tối thiểu chất lượng còn lại của chiếc xe sau thời gian đưa vào sử dụng x giá xe mới. 

Trong đó, tỷ lệ tối thiểu chất lượng còn lại của chiếc xe sau thời gian đưa vào sử dụng được xác định:

  • Xe mới mua: 100% giá trị
  • Xe sử dụng 1 - 3 năm: 85% giá trị
  • Xe sử dụng 3 - 6 năm: 70% giá trị
  • Xe sử dụng 6 - 10 năm: 55% giá trị
  • Xe sử dụng trên 10 năm: 40% giá trị

Tỷ lệ phí:

Trong đó, tỷ lệ phí = Tỷ lệ phí cơ bản (phạm vi cơ bản) + tỷ lệ phí lựa chọn bổ sung (phạm vi mở rộng). 

Theo các chuyên gia tư vấn bảo hiểm xe, tỷ lệ phí cơ bản và phí lựa chọn bổ sung là khoản phí đã được quy định rõ ràng trong gói hợp đồng bảo hiểm vật chất. Và thường thì mức phí này sẽ rơi vào khoảng 1.5% – 2%/năm tùy quy định của từng đơn vị cung cấp gói bảo hiểm vật chất.

Cụ thể: 

Phạm vi bảo hiểm

A. Phạm vi cơ bản

Bảo hiểm vật chất xe ô tô chi trả trong các trường hợp sau:

  • Xe không may bị va chạm, gặp tai nạn, xây xước, lật đổ, cháy nổ...
  • Xe bị xây xước, hỏng hóc do vật thể bên ngoài tác động lên xe
  • Xe không may bị mất cắp

Bảo hiểm vật chất xe chia sẻ rủi ro với chủ xe khi không may xảy ra va chạm.

Bảo hiểm vật chất chia sẻ rủi ro với chủ xe khi không may xảy ra va chạm, mất cắp

Ngoài ra, chủ xe cũng cần nắm rõ bảo hiểm vật chất sẽ không chi trả ở những trường hợp sau:

  • Trường hợp xe xảy ra va chạm tuy nhiên do người lái vi phạm pháp luật khi vận chuyển hàng cấm, uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, cố ý gây tai nạn. Hoặc xe ô tô không có đăng kiểm, chở quá tải trọng cho phép, vi phạm giao thông... hay tài xế không có giấy phép lái xe đúng quy định sẽ không được bảo hiểm vật chất xe đền bù trong trường hợp xảy ra va chạm và xe bị hỏng hóc.
  • Trường hợp xe ô tô bị hỏng hóc do các yếu tố như khủng bố hay chiến tranh... cũng không được bảo hiểm vật chất xe đền bù.
  • Xe bị hỏng hóc, hao mòn trong quá trình sử dụng mà không phải do yếu tố bên ngoài tác động vào. Tuy nhiên, nếu khi mua gói bảo hiểm vật chất xe ô tô, chủ xe thỏa thuận trước điều khoản này với bên bán bảo hiểm thì có thể được xử lý. 
  • Trường hợp xe xảy ra va chạm, gặp tai nạn hay bị mất cắp ngoài lãnh thổ của Việt Nam (trừ khi có thỏa thuận riêng với công ty bảo hiểm) cũng không được bảo hiểm vật chất xe chi trả bồi thường.

B. Phạm vi mở rộng 

Thông thường, trường hợp bị mất cắp phụ tùng xe, bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ không bồi thường mà chủ xe cần mua thêm gói bảo hiểm mất cắp bộ phận/phụ tùng để được hưởng quyền lợi. 

Theo kinh nghiệm của những người sử dụng xe lâu năm, những dòng xe có giá trị thấp, vừa phải nên bảo hiểm thân vỏ vì giá phụ tùng thay thế không quá đắt đỏ. Nhưng đối với các dòng xe sang đắt tiền thì chủ xe nên mua thêm gói bảo hiểm mất cắp bộ phận/phụ tùng. Bởi vì logo, gương... của dòng xe sang thường bị mất cắp nhiều và chi phí thay mới phụ tùng chắc chắn sẽ cao hơn giá gói bảo hiểm.

Bên cạnh gói bảo hiểm mất cắp bộ phận/phụ tùng, theo Oto.com.vn, bảo hiểm thủy kích xe cũng là khoản mục mà chủ xe nên mua thêm. Bởi với điều kiện thời tiết hay mưa bão và hạ tầng đường phố thoát nước kém như ở Việt Nam thì bảo hiểm thủy kích xe cũng rất quan trọng.

Ngoài các yếu tố kể trên, khi mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, chủ xe cần chú ý đến mức miễn thường và thời hạn bảo hiểm. Cụ thể:

Mức miễn thường

Mức miễn thường là khoản tiền mà người mua gói bảo hiểm chia sẻ rủi ro với công ty cung cấp bảo hiểm trong trường hợp không may xảy ra những vụ tổn thất.

Có hai loại miễn thường, bao gồm miễn thường có khấu trừ và miễn thường không khấu trừ. Trong đó, miễn thường có khấu trừ là khoản chi phí mà khách hàng phải tự chịu cho các tổn thất trước khi công ty bảo hiểm chi trả các chi phí còn lại. Còn miễn thường không khấu trừ là khoản phí mà khách hàng phải chịu cho các tổn thất có chi phí nhỏ hơn mức miễn thường, và công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ các chi phí tổn thất.

Ví dụ:

  • Miễn thường có khấu trừ: Nếu khách hàng lựa chọn gói bảo hiểm vật chất xe ô tô với mức miễn thường có khấu trừ là 500.000 đồng. Trường hợp xe xảy ra tổn thất và nếu chi phí khắc phục dưới mức 500.000 đồng thì khách hàng phải tự thanh toán chi phí này. Nếu chi phí khắc phục tổn thất cao hơn 500.000 đồng thì khách hàng thanh toán số tiền 500.000 đồng trong khi công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả các chi phí còn lại.
  • Miễn thường không khấu trừ: Nếu khách hàng lựa chọn gói bảo hiểm vật chất xe ô tô với mức miễn thường không khấu trừ là 500.000 đồng. Trường hợp xe xảy ra tổn thất và chi phí khắc phục những tổn thất này dưới 500.000 đồng thì khách hàng phải tự thanh toán. Còn chi phí khắc phục lớn hơn 500.000 đồng thì công ty bảo hiểm phải chi trả toàn bộ chi phí này, khách hàng không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào.

Thời hạn bảo hiểm

Về thời hạn gói bảo hiểm, người mua có thể tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính mà lựa chọn thời gian bảo hành là 1 năm, 2 năm hay 3 năm... Thực tế, thời hạn càng dài thì chi phí bảo hiểm sẽ giảm thiểu đi.

Tin bài liên quan:

Đánh giá
0 (0 đánh giá)
loading
 
×

Nhập mã xác nhận

Bạn đã submit quá nhiều lần,
Hãy nhập mã xác nhận để tiếp tục.

Mã xác nhận
loading