Ở Việt Nam, tỷ lệ sở hữu xe hơi chỉ khoảng 2% trong khi tại các nước đang phát triển khác ở khu vực Đông Nam Á con số này đạt mức 5 - 20%. Với thu nhập người dân đang dần được cải thiện và thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong ASEAN về 0%, nhu cầu mua xe ô tô tại Việt Nam được dự báo sẽ nối tiếp mức tăng trưởng 7% của thập kỷ trước để bắt kịp với các nước khác trong khu vực.

Nắm bắt xu thế này, Oto.com.vn đã phối hợp với các chuyên gia trong ngành ra mắt nội dung "Hướng dẫn mua xe ô tô" đầu tiên tại Việt Nam với hy vọng cung cấp cho bạn đọc các kiến thức hữu ích và đầy đủ nhất để mua được 1 chiếc xe ưng ý. Hướng dẫn này tập trung vào dòng xe du lịch từ 4 đến 9 chỗ ngồi, hiện chiếm ⅔ nhu cầu mua xe hơi hiện tại. Nội dung hướng dẫn được xây dựng dựa trên quá trình mua xe ô tô thực tế, bao gồm 5 phần:

i. Lên kế hoạch mua ô tô

Với giá từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng, xe hơi là tài sản có giá trị và tương đối đắt đỏ tại Việt Nam khi thu nhập bình quân đầu người Việt chỉ hơn 100 triệu VNĐ/năm ngay cả ở những thành phố lớn. Do vậy, bạn cần đánh giá khả năng tài chính thực tế của bản thân để có thể xác định được tương đối chi phí dành cho việc mua xe.

1. Đánh giá khả năng mua xe ô tô

Thông thường, tình hình tài chính hiện tại được thể hiện qua 2 yếu tố:

Khi chuẩn bị kế hoạch mua xe, bạn cần thận trọng xác định khả năng chi trả thực tế. Ngoài ra, bạn cũng nên dự phòng và cân đối kế hoạch trả lãi trong trường hợp vay mua xe ô tô trả góp. Nếu chưa thực sự hiểu rõ tình hình tài chính của mình, bạn có thể theo dõi việc thu chi bằng cách viết trên giấy, sử dụng bảng tính excel, hoặc sử dụng ứng dụng quản lý tài chính cá nhân (Money Lover là một trong những lựa chọn tốt với giao diện thân thiện cho người Việt Nam).

Giao diện ứng dụng MoneyLover

Tất nhiên, đây chỉ là một yếu tố trong quyết định mua xe – các yếu tố còn lại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giá trị và chi phí liên quan đến chiếc xe mà bạn định mua.

2. Xác định chi phí cho xe ô tô

Sai lầm phổ biến khi xác định chi phí cho xe ô tô là chỉ tập trung vào giá bán của xe mà xem nhẹ các chi phí liên quan (Ví dụ: mua xe hơi có giá bán 800 triệu VNĐ với khoản tiền tiết kiệm tương đương sẽ đặt gánh nặng chi phí cho bạn khi sử dụng xe). Do vậy bạn cần ước tính kỹ cả chi phí mua xe ô tô và chi phí sử dụng xe ô tô khi quyết định mua xe.

a. Chi phí mua xe ô tô bao gồm giá bán xe và chi phí lăn bánh. Để tham khảo nhanh giá bán và chi phí lăn bánh của các dòng xe mới nhất, bạn có thể truy cập vào đây.

Giá bán xe ô tô phụ thuộc rất nhiều vào thực trạng của chiếc xe. Trong khi giá xe mới ở các salon không chênh lệch nhiều do được áp dụng mức giá niêm yết trên website của hãng thì giá xe cũ lại phụ thuộc vào tình trạng của từng chiếc xe và người bán xe. Việc chọn mua xe cũ sẽ được Oto.com.vn nói chi tiết hơn ở phần II. NGHIÊN CỨU MẪU Ô TÔ

Chi phí lăn bánh cho xe là các khoản phí hợp pháp hóa việc sử dụng xe hơi và cũng có cách tính khác nhau giữa xe mới và xe cũ. Nếu bạn mua xe trả góp từ Ngân hàng (đọc thêm tại phần Thủ tục mua xe trả góp), bạn có thể được hỗ trợ thêm về quy trình đóng bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm vật chất cho xe hơi (sẽ được đề cập ở dưới).

Định nghĩa Mức phí cho xe mới Mức phí cho xe cũ
Lệ phí trước bạ Phí kê khai tài sản trước khi đưa vào sử dụng Giá xe ô tô tính phí công bố bởi Bộ Tài chính x Tỷ lệ phí trước bạ (được quy định như sau):
  • Hà Nội: 12%
  • Các tỉnh / thành phố khác: 10%
Giá xe ô tô tính phí công bố bởi Bộ Tài chính x 2% x Tỷ lệ khấu hao (được quy định theo tuổi đời xe như sau):
  • < 1 năm: 90%
  • 1 đến < 3 năm: 70%
  • 3 đến < 6 năm: 50%
  • 6 đến < 10 năm: 30%
  • Trên 10 năm: 20%
Phí đăng ký biển số Phí sở hữu biển số xe mới hoặc đổi biển số xe cũ Phí sở hữu biển số tại:
  • Hà Nội: 20 triệu vnđ
  • Hồ Chí Minh: 11 triệu vnđ
  • Tỉnh thành khác: Từ 0.2-1 triệu vnđ
Phí đổi biển số từ:
  • Tỉnh thành khác sang Hà Nội: 20 triệu VNĐ
  • Các trường hợp khác: 150.000 VNĐ
Phí đăng kiểm Phí thẩm định chất lượng xe hơi 240.000 VNĐ / năm
Phí sử dụng đường bộ Phí lưu thông xe trên đường 1.560.000 VNĐ / năm
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự Bảo hiểm nếu xe ô tô gây thiệt hại khi tham gia giao thông 480.700 VNĐ / năm (cho xe nhỏ hơn 6 chỗ) hoặc 873.400 VNĐ / năm (cho xe từ 6 đến 10 chỗ)

b. Chi phí sử dụng xe ô tô bao gồm chi phí đóng theo luật, bảo hiểm và chi phí thường xuyên. Các phí này chưa bao gồm các khoản phạt khi vi phạm luật giao thông và phí đại tu sau 1 thời gian sử dụng dài (thông thường khoảng 5-6 năm). Do vậy khi ước lượng chi phí sử dụng xe, bạn nên tính đến 1 khoản dự phòng cho các sự cố bất ngờ xảy ra với xe.

Phí học bằng lái xe hơi bao gồm phí nộp hồ sơ, phí học lái xe, phí sát hạch và các phí khác. Trong đó, 2 loại phí lớn nhất (chiếm khoảng 7-80% phí học bằng lái xe) là phí chuẩn bị hồ sơ (thường rơi vào khoảng 3-4 triệu đồng) và phí học lái xe hơi (chủ yếu sẽ thay đổi tùy vào thời gian thực hành; trung bình 1 người học lái sẽ trải qua 20 giờ thực hành với tổng phí khoảng 4 triệu đồng)

Bảo hiểm vật chất xe thường có 3 loại bảo hiểm chính: bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm thủy kích và bảo hiểm mất cắp phụ tùng xe. Trong đó, bảo hiểm thân vỏ và bảo hiểm thủy kích thường phù hợp với những chiếc xe thường xuyên di chuyển ở đô thị đông đúc hoặc địa điểm hay xảy ra tình trạng ngập nước. Còn bảo hiểm mất cắp phụ tùng xe là loại bảo hiểm mà các chủ xe hạng sang thật sự nên mua vì chi phí thay thế phụ tùng cho những mẫu ô tô này thường rất tốn kém. Tại Việt Nam, 3 công ty đang đứng đầu về bảo hiểm xe cơ giới với tổng thị phần hơn 50% là Bảo Việt, PTI và PVI.

Phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ và bảo hiểm trách nhiệm dân sự là phí phải đóng định kỳ khi hết hạn và đã được đề cập ở phần trên.

Thông thường, chi phí trung bình cho việc sử dụng xe hơi tại Việt Nam ở mức dưới 6 triệu VNĐ/tháng. Trong đó, nhiên liệu thường nhận được sự quan tâm đặc biệt do có chi phí lớn và phụ thuộc nhiều vào dòng xe hơi cũng như người sử dụng. Thông thường, các loại xe hơi có chiều dài ngắn, khối lượng nhỏ, động cơ dầu và dung tích động cơ nhỏ sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn các dòng xe lớn với động cơ khỏe (ví dụ: SUV). Nguyên lý này cũng có thể áp dụng khi so sánh các xe hơi cùng phân khúc (ví dụ: với thông số động cơ tương đương, Kia Morning hatchback thường chạy đỡ tốn xăng hơn Hyundai Grand i10 sedan do có chiều dài cơ sở và trọng lượng nhỏ hơn).

Tất nhiên, các chỉ số này chỉ mang tính chất tham khảo. Chẳng hạn, với sự tiến bộ của công nghệ, 1 động cơ Ecoboost 1.0 lít của Ford có thể chạy ngang với công suất của 1 động cơ 1.6 lít của nhiều hãng xe khác.

Ví dụ: Trong 1 tháng, xe chạy được 1.000 km và giá xăng khoảng 21.000 VNĐ/lít thì chi phí sử dụng xe trung bình sẽ ước tính từ 1.5 - 3 triệu VNĐ. Để tham khảo mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình khi đi 100km theo phân khúc xe (xem định nghĩa ở phần 2. Phân khúc xe ô tô).

Xe tiết kiệm cỡ siêu nhỏ

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 7-9 lít
Cao tốc: 4.5-5.5

Xe cỡ siêu nhỏ

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 7-7.5 lít
Cao tốc: 4.5-5

Xe cỡ vừa

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 7.5-11.5 lít
Cao tốc: 5.5-6.5

Xe cỡ trung

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 10-11.5 lít
Cao tốc: 6-7

Xe hạng sang

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 10-12 lít
Cao tốc: 6-7

Xe minivan

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 11-13 lít
Cao tốc: 8-9

Xe thể thao đa dụng

Mức tiêu thụ nhiên liệu
Đô thị: 9-14 lít
Cao tốc: 6.5-9

Do xe hơi thường phải di chuyển trên cả đường đô thị và cao tốc nên mức tiêu thụ nhiên liệu trên còn thay đổi tùy điều kiện thực tế (ví dụ: xe phóng nhanh hay phanh gấp sẽ tốn nhiều nhiên liệu hơn), do đó bạn nên theo dõi mức độ sử dụng xe thực tế sau khi mua để có thể ước lượng chi phí xăng xe chính xác hơn.

ii. NGHIÊN CỨU MẪU Ô TÔ

Có 5 yếu tố chính khi chọn mẫu xe: (1) xe cũ hay xe mới; (2) phân khúc xe ô tô; (3) kiểu dáng xe ô tô; (4) xe nhập khẩu hay xe lắp ráp và (5) các yếu tố khác cho xe cũ. Nếu đã xác định được mẫu xe muốn mua, bạn có thể tham khảo giá tại trang web https://oto.com.vn với hơn 30.000 tin xe mới được đăng mới hàng tháng. Ngoài ra, các kênh review xe hơi như Xế Cưng hay Xe Hay và forum chuyên về xe như Otofun cũng là những nguồn tham khảo tốt.

1. Xe cũ hay xe mới

Xe cũ thường là lựa chọn tốt cho những người có thu nhập thấp hoặc muốn mua ô tô cao cấp với giá rẻ. Tuy nhiên việc mua được xe cũ giá hời không phải là việc dễ dàng. Do đó nếu không phải là chuyên gia về ô tô, bạn nên mua xe mới. Trong trường hợp buộc phải mua xe ô tô cũ, bạn nên tìm một người có thể tin cậy để đưa ra lời khuyên hữu ích và tham khảo một số kinh nghiệm ở phần III. KIỂM TRA XE Ô TÔ TRỰC TIẾP.

2. Phân khúc xe ô tô

Khái niệm về phân khúc xe hơi được bắt nguồn từ Châu Âu để phân loại và định vị xe trong mắt người tiêu dùng. Ở Việt Nam, 2 tiêu chí chính thường dùng để phân loại xe là chiều dài cơ sở và thương hiệu của xe. Với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phân khúc xe hiện chỉ mang tính tham khảo và không nên được áp dụng cứng nhắc. (ví dụ: các dòng xe ô tô của Audi, BMW thường ở phân khúc xe hạng sang mặc dù không đạt các tiêu chí cứng nêu trên). Sau đây là một số phân khúc xe phổ biến:
(lưu ý: xe SUV/crossover được chia làm phân khúc riêng ở châu Âu, tuy nhiên theo các tiêu chí thông thường ở Việt Nam, nó có thể được xếp chung vào các hạng khác do có chiều dài cơ sở tương đương với các mẫu xe sedan / hatchback)

Hạng A

Định vị xe
Xe tiết kiệm cỡ siêu nhỏ

Dung tích động cơ
1-1.25 lít

Ví dụ
Kia Morning, Hyundai Grand i10...

Chiều dài cơ sở
Nhỏ hơn 2.500mm

Hạng B

Định vị xe
Xe cỡ siêu nhỏ

Dung tích động cơ
1.2-1.6 lít

Ví dụ
Toyota Vios, Hyundai Accent...

Chiều dài cơ sở
2.500-2.600mm

Hạng C

Định vị xe
Xe cỡ vừa

Dung tích động cơ
1.6-2.5 lít

Ví dụ
Kia Cerato,
Mazda 3...

Chiều dài cơ sở
2.500-2.600mm

Hạng D

Định vị xe
Xe cỡ trung

Dung tích động cơ
2.5-3.5 lít

Ví dụ
Toyota Camry, Honda Accord...

Chiều dài cơ sở
2.700-2.800mm

Hạng E,F,S

Định vị xe
Xe hạng sang

Dung tích động cơ
Không áp dụng

Ví dụ
Mercedes C-class, Audi A4...

Chiều dài cơ sở
Không áp dụng

Hạng M

Định vị xe
Xe minivan

Dung tích động cơ
1.5-2.5 lít

Ví dụ
Toyota Innova, Kia Rondo...

Chiều dài cơ sở
2.700-3.200mm

Hạng J

Định vị xe
Xe thể thao đa dụng

Dung tích động cơ
1.5-2.5 lít

Ví dụ
Kia Sorento, Hyundai SantaFe...

Chiều dài cơ sở
2.500-2.800mm

3. Kiểu dáng xe ô tô

Kiểu dáng xe thường được phân loại trên 3 yếu tố: (1) Kết cấu thân xe hay số khoang; (2) gầm và khung gầm xe và (3) số cửa và chỗ ngồi. Cũng như dòng xe, các tiêu chí trên chỉ mang tính tham khảo do các hãng xe ngày càng sáng tạo ra nhiều model vượt tiêu chuẩn truyền thống. Tại Việt Nam, có 6 loại xe phổ biến sau:

Hiện nay do thói quen người dùng, các xe crossover được định vị là SUV với tên gọi chung là "xe gầm cao". Hatchback có động cơ nhỏ nên được xếp vào phân khúc A hoặc B và do đặc điểm về thân xe nên thường được gọi là dòng "xe hơi đuôi cụt" hoặc "đuôi cộc". Tương tự, sedan cũng thường được người Việt gọi là "xe 2 đầu". MPV được xếp riêng vào phân khúc M, và Coupe, với định vị là dòng xe hơi sang, thường là xe hạng E trở lên. Người Việt Nam cũng hay phân loại xe ô tô theo số chỗ, tuy nhiên bạn cũng có thể dễ dàng suy ngược lại kiểu dáng xe (ví dụ: xe 4-5 chỗ ngồi thường là sedan / hatchback / coupe; xe 5 chỗ ngồi thường là crossover / SUV; xe 7 chỗ ngồi thường là MPV hoặc SUV (trong trường hợp hiếm).

4. Xe nhập khẩu hay xe lắp ráp

Ô tô nhập khẩu có thể chia theo tên quốc gia của nhà sản xuất, gồm 4 nhóm chính: xe Nhật, xe Hàn, xe Âu và xe Mỹ. Trong đó, xe Nhật, điển hình là thương hiệu Toyota (chiếm khoảng ¼ số xe bán được tại Việt Nam năm 2017) đã và đang khẳng định vị thế sô 1 ở Việt Nam về chất lượng, khả năng tiết kiệm nhiên liệu và độ giữ giá . Còn xe Hàn cũng dần dần ghi điêm trong mắt khách hàng Việt về thiết kế đẹp, trang bị tốt và giá cả hợp lý.

Trong khi đó, xe Châu Âu từ lâu đã được coi là “xe hơi cho người giàu” với các thương hiệu hạng sang và siêu sangnhư Rolls-Royce, Bentley, Mercedes; Audi, BMW . Cuối cùng là xe Mỹ được biết đến với các dòng xe hơi cơ bắp và động cơ lớn mạnh mẽ.

Dù mỗi nhóm ô tô có đặc điểm khác nhau nhưng quan niệm phổ biến của người dùng Việt Nam cho rằng chất lượng xe nhập khẩu thường tốt hơn xe lắp ráp bởi tiêu chuẩn an toàn chất lượng trong nước chưa cao, cơ sở nhà máy thô sơ và thợ xe không lành nghề. Trên thực tế, xe lắp ráp vẫn hay bị phàn nàn về độ cách âm kém, nước sơn không đẹp hay cảm giác lái không tốt như xe nhập khẩu. Tuy nhiên với 1 số loại xe nhập khẩu nhất định (ví dụ: xe nhập khẩu từ Đức), việc tìm kiếm linh kiện thay thế sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với xe lắp ráp.

Tại Việt Nam, hiện có 3 công ty lắp ráp ô tô lớn và lâu năm tại Việt Nam là Trường Hải (THACO), Toyota Việt Nam (TMV) và Hyundai Thành Công (HTC). Trong đó, THACO là công ty lớn nhất, chuyên lắp ráp các dòng xe Kia, Mazda, Peugeot và BMW. Năm 2018, Vingroup chính thức bước chân vào làng xe hơi thế giới với thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên là Vinfast và bước đầu đã cho ra các mẫu thiết kế xe SUV và sedan vào tháng 9/2018, hứa hẹn sẽ đem lại thêm các lựa chọn về ô tô lắp ráp trong thời gian tới.

5. Các yếu tố khác cho xe cũ

Mỗi chiếc xe cũ có tình trạng khác nhau, do đó để tiết kiệm thời gian, bạn cần xác định thêm một số thông tin sơ bộ dưới đây trước khi quyết định xem xe trực tiếp:

Tình trạng xe
Xe chính chủ / đăng ký dịch vụ
Với xe ô tô cũ, tuyệt đối không nên mua xe bị ngập nước / bổ máy, xe bị đâm đụng hoặc đã có tuổi đời lâu và không còn an toàn để sử dụng
Tham khảo một số cách cơ bản để đánh giá chất lượng xe cũ trong phần III. KIỂM TRA XE Ô TÔ TRỰC TIẾP
Xe chính chủ và không đăng ký dịch vụ thường được đánh giá cao hơn, tuy nhiên thông tin này thường rất khó kiểm chứng.
Mẹo nhỏ: bạn nên so ngày cấp và ngày đăng ký lần đầu trên giấy chứng nhận sở hữu xe (còn gọi là cà vẹt), nếu chênh nhiều thì có thể xe không phải xe chính chủ

iii. KIỂM TRA XE Ô TÔ TRỰC TIẾP

Sau khi đã chọn được một số mẫu xe hơi ưa thích, chắc chắn bạn sẽ muốn cảm nhận trực tiếp để đưa ra quyết định mua ô tô cuối cùng. Có 3 bước cần phải làm ở giai đoạn này: (1) chọn đại lý bán xe; (2) kiểm tra xe ô tô và (3) đăng ký lái thử.

1. Chọn đại lý bán xe

Nếu bạn mua xe mới (về cơ bản là giống nhau tại các điểm bán), việc chọn đại lý bán xe ô tô sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố chính sau:

Uy tín đại lý

Thực tế, dù cùng phân phối 1 dòng xe nhưng cách phục vụ khách hàng và dịch vụ hậu mãi sẽ khác nhau giữa các đại lý. Bạn nên tìm hiểu trước trên mạng xem những đại lý nào đã được đánh giá tốt và tin dùng bởi những người mua khác để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Giá xe ô tô

Giá xe hơi tại mỗi đại lý sẽ khác nhau vì phụ thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế tại mỗi điểm bán. Do vậy, bạn nên khảo sát giá xe tại đại lý qua điện thoại trước khi đến. Bạn cũng có thể tham khảo số lượng xe trên website của mỗi đại lý. Thông thường những đại lý tồn nhiều xe sẽ có khả năng giảm giá xe cao hơn.

Địa điểm đại lý

Bạn sẽ cảm thấy thuận tiện hơn khi mua xe hơi ở 1 đại lý bán xe gần nhà hoặc nơi làm việc. Tuy nhiên, điều cuối cùng bạn nên hướng đến là mua được 1 chiếc xe chất lượng với giá hợp lý và chất lượng dịch vụ hậu mãi tốt. Do vậy, không nên xem địa điểm là tiêu chí quan trọng nhất khi bạn chọn đại lý bán xe.

Đối với xe ô tô cũ, bạn sẽ không có nhiều lựa chọn đại lý bán như xe mới bởi điều này phụ thuộc vào các mẫu xe hiện có ở từng đại lý tại mỗi thời điểm khác nhau. Dẫu vậy, về cơ bản, uy tín chính là điều kiện tiên quyết trong quyết định tìm chọn đại lý. Lời khuyên dành cho bạn ở đây là tham khảo trên website Oto.com.vn thông tin các đại lý bán xe uy tín gần nhất với nơi ở và chỗ làm việc.

2. Kiểm tra xe ô tô mới

Với xe hơi mới, bạn nên kiểm tra 3 yếu tố: hình thức xe, chức năng các bộ phận / thiết bị điện và gầm xe hơi.

a. Kiểm tra hình thức xe: Ngay cả khi mua 1 chiếc xe hơi mới, bạn vẫn có rủi ro mua phải xe bị va quệt nhẹ trong quá trình di chuyển từ nhà sản xuất tới đại lý bán xe. Do vậy, kiểm tra ngoại thất và nội thất xe sẽ giúp bạn tránh những tiểu tiết lỗi đáng tiếc cho chiếc xế cưng của mình

Ngoại thất

Nội thất

b. Kiểm tra các bộ phận, chức năng và thiết bị điện: Bạn không nên bỏ qua các chi tiết này để để đảm bảo chiếc xe hơi muốn mua thật hoàn hảo

Các bộ phận và chức năng

Thiết bị điện

c. Kiểm tra gầm xe: Đây thường là khu vực khó quan sát và thường hay bị bỏ qua nhất khi xem xe. Tuy nhiên, bạn cần yêu cầu đại lý bán xe nâng xe lên để kiểm tra khu vực này và chắc chắn xe còn trong tình trạng mới, không bị va đập trong quá trình di chuyển (đặc biệt là bình xăng)

Nâng xe để quan sát gầm

Gầm xe của Hyundai Tuscon

3. Kiểm tra xe ô tô cũ

Với xe cũ, bạn nên ưu tiên kiểm tra khả năng bị ngập nước / bổ máy, bị đâm đụng và tuổi đời của xe. Sau đây là một số cách nhận diện thủ thuật che giấu các dấu hiệu này của người bán xe. Dù vậy, để có thể hoàn toàn yên tâm, bạn vẫn nên đưa xe cũ đến đại lý có uy tín để có đánh giá chính xác nhất về chất lượng xe

a. Dấu hiệu nhận biết xe bị ngập nước / bổ máy: nằm ở khoang lái và sàn xe

b. Dấu hiệu nhận diện xe bị đâm đụng: thường nằm ở ngoại thất hoặc các chi tiết bên trong của ô tô

Ngoại thất

Chi tiết bên trong xe

c. Dấu hiệu nhận diện tuổi đời xe: thường nằm ở ngoại thất, nội thất và động cơ xe. Trên lý thuyết, số km hiển thị trên đồng hồ công-tơ-mét sẽ là tiêu chí thể hiện chính xác nhất tuổi đời của xe. Dẫu vậy, trên thực tế, việc đồng hồ công-tơ-mét bị tua lại trở nên quá phổ biến nên đây không còn là cơ sở đáng tin cậy cho khách mua xe.

Ngoại thất

Nội thất

Động cơ xe

4. Đăng ký lái thử

Để chuẩn bị tốt cho việc lái thử, bạn cần lưu ý trong cả giai đoạn trước khi lái xe, khi ngồi vào ghế lái và khi lái xe

Trạng thái Lưu ý
Trước khi lái xe
  • Tìm hiểu kỹ thông số kỹ thuật và các tính năng của mẫu ô tô lái thử
  • Đọc kỹ bản cam kết với đại lý bán xe để nắm rõ quyền hạn và trách nhiệm khi lái thử
  • Dẫn thêm người thân hoặc bạn bè đi cùng để thử các vị trí ghế ngồi trong xe và có thêm ý kiến đánh giá về xe
  • Xem qua bên ngoài và trong xe lái thử để chắc chắn mẫu xe lái thử và xe mua không có khác biệt đáng kể
Khi ngồi vào ghế lái xe
  • Các vị trí ghế ngồi khác thoải mái, có độ ngả lưng tốt, trần đủ cao và không gian để chân thoải mái
  • Các trang bị hỗ trợ lái xe dùng được (ví dụ: vô lăng, cần lái, chân phanh và chân ga, đèn pha, đèn sương mù...)
  • Các tính năng giải trí khác hoạt động được (ví dụ: chất lượng âm thanh khi bật nhạc trong ô tô, bluetooth…)
  • Khoang hành lý rộng rãi và phù hợp với nhu cầu cá nhân
Khi lái xe
  • Khi tăng tốc, kiểm tra độ trễ ga và độ nhạy của ô tô
  • Tầm nhìn kính chắn gió và góc chữ A khi cua xe phải đủ rộng
  • Vô lăng xe dễ điều khiển, đặc biệt là khi vào cua (thường thử khi vận tốc xe khoảng 60 km/h)
  • Xe không mất lái khi đi trên đường cao tốc (thường thử khi vận tốc xe khoảng 100 km/h)
  • Xem khả năng chống ồn và mức độ tiêu thụ nhiên liệu xe ở các chế độ lái khác nhau
  • Phanh xe ăn và không tốn quá nhiều sức khi phanh gấp (thường thử khi vận tốc xe khoảng 80-100 km/h)

iv.Mua xe ô tô

Sau khi chọn được chiếc xe ưng ý, bạn phải nắm rõ các thủ tục cuối cùng để chính thức sở hữu ô tô.
Có 2 thủ tục chính: thủ tục mua ô tô và thủ tục mua xe trả góp (nếu bạn vay mua xe)

1. Thủ tục mua ô tô

Thủ tục mua xe gồm 3 bước chính: đóng phí trước, đăng ký xe và đăng kiểm xe.

Loại thủ tục Xe mới Xe cũ
Đóng phí trước bạ Đến Cơ quan thuế chuẩn bị:
  • Bản photo CMTND / CCCD và sổ hộ khẩu (nếu mua xe cá nhân) hoặc bản photo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh / đầu tư nước ngoài (nếu mua xe cho doanh nghiệp)
  • Bản gốc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe của nhà sản xuất
  • Bản photo hóa đơn mua bán xe giữa đại lý bán xe và nhà sản xuất
  • Bản gốc hóa đơn mua bán xe
Đến Cơ quan thuế chuẩn bị:
  • Bản photo CMTND / CCCD và sổ hộ khẩu của bên mua và bên bán
  • Hợp đồng mua bán xe công chứng (nếu bên bán là cá nhân) hoặc kèm hóa đơn GTGT (nếu bên bán là doanh nghiệp)
  • Sổ đăng kiểm xe
  • Bảo hiểm ô tô (nếu có)
Đăng ký xe Đến Phòng CSGT chuẩn bị:
  • Tài liệu lúc đóng phí trước bạ
  • Tờ khai thuế trước bạ và biên lai đóng phí trước bạ
  • Tờ khai đăng ký xe mới có số sườn, số máy
  • Giấy giới thiệu của công ty (nếu làm thủ tục mua xe cho doanh nghiệp)
  • Làm thủ tục cà khung, cà số máy và bốc số biển xe
Đến Phòng CSGT chuẩn bị:
  • Tài liệu lúc đóng phí trước bạ
  • Tờ khai thuế trước bạ và biên lai đóng phí trước bạ
  • Làm thủ tục cà khung và cà số máy
  • Nếu mua xe hơi chuyển vùng: Yêu cầu bên bán rút hồ sơ đăng ký xe tại tỉnh / thành phố cũ (thường mất khoảng 10 ngày)
Đăng kiểm xe Đến Trung tâm đăng kiểm xe chuẩn bị:
  • Xe đã có biển số
  • Tài liệu lúc đóng phí trước bạ và đăng ký xe
  • Giấy đăng ký xe hoặc hẹn đăng ký xe
  • Bộ số sườn, số máy
  • Đóng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
  • Nếu mua xe hơi chuyển vùng: Đăng kiểm xe và đổi sổ lưu hành tại Trung tâm đăng kiểm
  • Nếu mua xe hơi cùng tỉnh / thành phố: Có thể dùng xe đến khi hết thời hạn đăng kiểm

2. Mua xe trả góp

Bạn có thể mua xe trả góp qua hình thức vay ngân hàng hoặc qua hợp đồng thuê mua xe tài chính với đại lý. Do chương trình thuê mua xe hơi tại mỗi đại lý khác nhau, hướng dẫn này sẽ tập trung vào hình thức mua xe trả góp qua vay ngân hàng, gồm 3 bước chính:

Bước 1: Lựa chọn ngân hàng

Thông thường, vay qua ngân hàng có liên kết với đại lý sẽ có thủ tục đơn giản và một số ưu đãi nhất định như lãi suất thấp, rút ngắn thời gian phê duyệt. Tuy nhiên, bạn vẫn nên nghiên cứu thêm 1 số gói vay trên mạng để chọn ra ngân hàng phù hợp nhất. Lãi suất vay mua xe thường dao động khoảng 6-8% trong thời gian 3-12 tháng đầu, sau đó sẽ được thả nổi. Mức cho vay tối đa thường dao dộng từ 70-100%, tuy nhiên bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về tài sản thế chấp mà ngân hàng yêu cầu. Nếu sử dụng ngân hàng theo đề xuất của đại lý, bạn sẽ phải thỏa thuận trước khoản tiền đối ứng / trả trước (thường rơi vào khoảng 20-30% giá trị xe).

Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể truy cập vào website Topbank.vn - “nhà tư vấn” tài chính sẽ giúp bạn cập nhật với các thông tin mới nhất về các gói vay mua xe từ ngân hàng hàng tháng.

Bước 2: Nộp hồ sơ mua xe trả góp

Thông thường, ngoài mẫu đơn đề nghị vay vốn tại ngân hàng, bạn còn phải nộp thêm một số giấy tờ sau:

Loại hồ sơ Lưu ý
Hồ sơ pháp lý
  • CMND/ Hộ chiếu
  • Hộ khẩu/ KT3/ Giấy đăng ký tạm trú
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người vay
Hồ sơ chứng minh mục đích vay
  • Thông báo giá xe hoặc hợp đồng mua bán xe; Phiếu đặt cọc hoặc chứng từ nộp tiền đặt cọc
  • Các giấy tờ bổ sung khác tùy vào tình trạng xe (cũ hay mới) và loại xe (trong nước hay xuất khẩu)
Hồ sơ chứng minh nguồn trả nợ
  • Thu nhập làm thuê: Hợp đồng lao động; bảng lương và sao kê 3 tháng gần nhất
  • Thu nhập tự doanh: Giấy đăng ký kinh doanh mới nhất; giấy tờ thể hiện kết quả kinh doanh (ví dụ: báo cáo tài chính, tờ khai thuế GTGT…)
  • Thu nhập khác: Tùy trường hợp (ví dụ: hợp đồng cho thuê nhà, thuê xe…)
Hồ sơ khác
  • Hợp đồng tín dụng, Sao kê tài khoản thanh toán (nếu đang có các khoản vay tại các Ngân hàng khác)
  • Giấy tờ pháp lý các Tài sản khác dùng để thế chấp (nếu có) như: Sổ đỏ, Sổ tiết kiệm...

Nếu hồ sơ được duyệt, bạn sẽ được ngân hàng cấp tín dụng và bảo lãnh khoản vay (trong trường hợp tự vay) hoặc được nhân viên đại lý thông báo trực tiếp (trong trường hợp vay từ ngân hàng có liên kết với đại lý) và phải trả khoản tiền đối ứng đã thỏa thuận cho đại lý

Bước 3: Nhận giải ngân

Có 2 hình thức giải ngân chính:
Giải ngân khi có giấy hẹn đăng ký xe: Ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng và trực tiếp đi cùng bạn để đăng ký xe, nhận bản gốc giấy hẹn và chịu trách nhiệm về tính xác thực của giấy hẹn.
Giải ngân phong tỏa vào tài khoản của bên bán xe: Khoản vay của bạn sẽ được ngân hàng chuyển khoản vào tài khoản của bên bán xe và bạn chỉ cần đóng số tiền còn lại

Ngay khi có hẹn lấy giấy đăng ký xe, bạn cùng nhân viên ngân hàng sẽ ký hợp đồng thế chấp công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo bổ sung. Cuối cùng, bạn có thể nhận xe và thực hiện việc trả nợ hàng tháng cho ngân hàng.

3. Bảo hiểm xe ô tô khi mua xe trả góp

Bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã được đề cập ở phần 2. Xác định chi phí cho xe ô tô, bạn sẽ phải mua gói bảo hiểm vật chất cho ô tô như 1 yêu cầu bắt buộc từ phía ngân hàng trong trường hợp chiếc xe chính là tài sản thế chấp cho gói mua xe trả góp. Đối tác bảo hiểm thường do ngân hàng chỉ định bởi bên ngân hàng sẽ là bên thụ hưởng hợp đồng trong trường hợp xe có sự cố xảy ra.

V. SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG XE

Một chiếc xe ô tô có tuổi thọ trung bình hơn 10 năm. Dẫu vậy, “của bền tại người”, nếu không giữ xe, bạn sẽ mất một khoản chi phí lớn để đại tu, thậm chí là thay xế mới dù chỉ sau 5 năm sử dụng. Do đó, bạn cần đặc biệt lưu ý đến những bí quyết, kinh nghiệm dưới đây để kéo dài tuổi thọ cho chiếc bốn bánh của mình.

Trước khi bước vào vấn đề chính, hãy cùng Oto.com.vn tìm hiểu loạt phụ kiện hot giúp tăng tính an toàn, tính tiện nghi và thẩm mỹ cho xế cưng.

1. Phụ kiện ô tô

Phần lớn xe ô tô lăn bánh tại Việt Nam thuộc phân khúc cấp thấp với chi phí ban đầu dao động từ 200-500 triệu đồng. Vì thế, những mẫu xe này sẽ không được trang bị nhiều tính năng an toàn, tiện ích hiện đại như các mẫu xe sang cao cấp. Đây chính là lý do khiến các chủ xe tìm đến loạt phụ kiện ô tô hỗ trợ như:

Những phụ kiện giúp tăng tính an toàn của xe

Bộ phận Ảnh minh họa Khoảng giá Công dụng
Hệ thống cảnh báo áp suất lốp 1.4-2 triệu/ chiếc (dòng xe bình dân) 2-3.5 triệu/ chiếc (dòng xe cao cấp)
  • Giúp người lái kịp thời phát hiện lốp nào giảm áp suất bất thường
  • Phù hợp với những xe thường xuyên phải đi xa và những khu vực ít cung cấp dịch vụ về xe cộ và lốp
Đèn xe 500-600 nghìn / bộ đèn/ bên đèn)
  • Thay đổi từ bóng nguyên bản (thường là bóng halogen) sang bóng xenon sẽ giúp đèn xe chiếu sáng hơn và xa hơn
  • Thường được thay cả hệ thống đèn (bóng đèn, củ đèn) để đồng nhất và luồng sáng đèn tập trung
Hệ thống camera lùi, cảm biến sau 300-500 nghìn (cảm biến lùi)/ bộ 1-2.4 triệu/ bộ (hàng chính hãng tích hợp camera lùi) Hỗ trợ lái xe (đặc biệt là lái xe mới) trong việc đỗ xe, lùi xe tại những nơi di chuyển chật hẹp, khó quan sát hoặc phát hiện những vật thể xung quanh xe mà lái xe bị hạn chế tầm nhìn.
Lưu ý: Đa phần các chủ xe sẽ lựa chọn cảm biến lùi thay vì cảm biến trước, do đường xá Việt Nam thường đông đúc, nếu lắp quá nhiều cảm biến tiếng báo hiệu sẽ nhạy cảm, kêu liên tục và có thể gây ức chế tài xế.
Gương cầu xóa điểm mù trên gương chiếu hậu 40-50 nghìn/ chiếc Giúp lái xe tăng khả năng triệt tiêu điểm mù (thường luôn hiện hữu ở các gương chiếu hậu thông thường), hạn chế va quệt nhẹ giữa các xe hoặc thậm chí là tai nạn giao thông nghiêm trọng
Camera hành trình 2-4 triệu/ chiếc
  • Giúp lái xe xem lại những tình huống tai nạn, phạm lỗi giao thông trong quá trình di chuyển
  • Tích hợp bản đồ tìm đường, chỉ đường, cảnh báo tốc độ (đối với những xe không có tính năng định vị GPS)

Những phụ kiện giúp tăng tuổi thọ của nội thất

Bộ phận Ảnh minh họa Khoảng giá Công dụng
Bọc da (cho xe bọc ghế da nỉ) 2-3 triệu/ xe 4 chỗ (giả da) 3.5-5 triệu/ xe 4 chỗ (da công nghiệp) Giúp chủ xe dễ dàng vệ sinh ghế, lau dọn vết bẩn, hạn chế tạo mùi khó chịu do mồ hôi của hành khách, đặc biệt với thời tiết dễ ẩm thấp và nắng nóng tại Việt Nam
Phím cách nhiệt cho kính 3-6 triệu/ gói (dành cho xe 4,5 chỗ; dòng phổ thông-cao cấp)
  • Chống nắng cho xe, giảm nhiệt hấp thụ vào trong xe và tác động lên nội thất (ví dụ da ghế, táp lô, táp li...)
  • Giảm nguy cơ kính vỡ vụn khi gặp tai nạn
  • Tạo không gian riêng tư nhờ hạn chế khả năng nhìn từ bên ngoài vào nội thất xe
Trần cách nhiệt 500-700 nghìn/ trần (chưa tính tiền công)
  • Giảm hấp thụ nhiệt từ môi trường bên ngoài vào cabin, đặc biệt khi mui xe làm bằng kim loại, tránh chênh lệch nhiệt độ có thể gây sốc nhiệt cho hành khách.
  • Bảo vệ nội thất bên trong khi xe phải đỗ ngoài trời nắng quá lâu.
Lót sàn xe 500-700 nghìn/ bộ xe 4-5 chỗ (nỉ hoặc cao su cao cấp) 1-1.5 triệu/ bộ xe 4-5 chỗ (da 4D) Tránh xước sàn và giúp lái xe dễ dàng vệ sinh sàn xe, tuy nhiên cần chọn kích cỡ phù hợp để tránh thảm trải sàn làm vướng mắc chân ga hoặc kẹt bàn đạp/ chân phanh, gây mất an toàn cho xe
Phủ táp lô 250-400 nghìn/ chiếc Tăng tuổi thọ bảng táp lô, tránh tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời gây hư hại, rộp da và nhanh bong tróc

Những phụ kiện giúp tăng độ tiện nghi cho xe

Bộ phận Ảnh minh họa Khoảng giá Công dụng
Gương gập tự động/ lên kính tự động 500-600 nghìn/ chiếc
  • Bảo vệ gương tốt hơn khi đỗ xe ngoài đường, tránh bị các phương tiện khác va quệt
  • Giúp tài xế dễ dàng nhận biết tình trạng khóa xe (khi xe được khóa, gương sẽ tự động gập vào)
  • Hạn chế tình trạng quên lên kính trước khi khóa xe,khiến nước mưa bắn vào hoặc bị mất cắp trong xe
Lắp viền/ vè che mưa 300-600 nghìn/ bộ xe 4-5 chỗ (tùy dòng xe) Ngăn nước mưa rớt vào trong xe và giảm tiếng ồn do gió khi hạ kính, tuy nhiên nếu không lắp cẩn thận sẽ phản tác dụng (gioăng bị lỏng trong quá trình lắp khiến nước lọt vào cabin và tạo tiếng ồn ở cửa khi xe chạy ở tốc độ cao)
Lớp cách âm chống ồn 500-700 nghìn từng bộ phận
  • Giảm bớt tiếng ồn động cơ và những tạp âm trong cabin xe (đặc biệt đối với những dòng xe bình dân hạng trung đổ xuống)
  • Lớp cách âm có thể tạo khác biệt lúc đầu, nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng sẽ xuất hiện những bất tiện như kẹt cửa, khó đóng cửa, hay gây khó khăn trong việc sửa chữa kỹ thuật

Ngoài ra, nhiều phụ kiện tách rời cũng được các tài xế ưa chuộng như máy bơm lốp di động, bình ắc-quy siêu nhẹ hoặc bộ phụ tùng cứu hộ khẩn cấp. Tùy vào từng nhu cầu sử dụng, đầu DVD hay loa âm thanh cũng là những lựa chọn phổ biến.

Lưu ý: Giá phụ kiện sẽ dao động rất nhiều trên thị trường vì sự khác nhau giữa phụ kiện bán tại chợ và phụ kiện chính hãng, sản phẩm bình dân hoặc cao cấp, chưa kể đến giá phụ kiện của mỗi dòng xe cũng sẽ khác nhau.

2. Sử dụng xe

Trong quá trình sử dụng xe, bạn có thể trang bị thêm một số mẹo hay dưới đây để xe tránh bị hao mòn nhanh:

Đỗ xe

Ưu tiên chọn ô đỗ xe thẳng rộng rãi hoặc ô đỗ xe xiên để giảm thiểu rủi ro va quệt vào các xe khác

Không nên đỗ xe ngoài nắng nóng trong thời gian dài vì sẽ làm hỏng nước sơn xe và làm giảm độ bền của các chi tiết bằng nhựa và da ở bên trong xe

Nếu phải bắt buộc đỗ xe ngoài nắng, bạn nên chuẩn bị loại vải chuyên dụng để phủ xe hoặc dán phim chống nóng để giảm bức xạ nhiệt vào trong xe

Rửa xe

Nên rửa xe sau khi đi mưa vì trong nước mưa có các chất axit, bụi bẩn làm han gỉ các chi tiết bằng kim loại ở trên và trong xe ô tô

Không nên rửa xe ngay khi vừa để ô tô ngoài trời nắng nóng vì có thể làm thay đổi nhiệt độ đột ngột phần và gây rạn nứt cho kính xe

Cần rửa xe thật sạch bởi vì chất tẩy rửa nếu còn bám trên xe cũng có khả năng tạo chất rỉ sét

Giữ lốp xe

Nên kiểm tra và bơm lốp xe thường xuyên do tuổi thọ lốp xe có thể giảm đến hơn 10% nếu dùng trong điều kiện non hơi.

Tần suất kiểm tra xe khoảng 1 lần / tháng, hoặc có thể ngắn hơn nếu xe thường xuyên phải đi đường dài hoặc di chuyển trong điều kiện thời tiết hoặc địa hình khắc nghiệt

Khi bơm lốp xe phải đảm bảo áp suất bơm vào giống thông số in trên lốp xe

Khác

Hạn chế để đồ lên nóc xe, capo hoặc mui xe, tránh làm xước và hỏng sơn xe

Nên đánh bóng xe mỗi năm 2 lần hoặc nhiều hơn để hỗ trợ lớp sơn của xe bền hơn

3. Bảo dưỡng định kỳ

Thông thường, các hãng xe đều có yêu cầu cụ thể về việc chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ với từng bộ phận ô tô. Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo bởi điều này còn phụ thuộc vào mức độ giữ xe của mỗi người dùng. Dưới đây là một số bộ phận/hệ thống trên xe ô tô cần chú ý cùng tần suất bảo dưỡng chi tiết như sau:

Bộ phận / hệ thống Tần suất bảo dưỡng
Bảo dưỡng động cơ xe ô tô: Nên kiểm tra định kỳ do động cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành xe 3.000 - 5.000 km / lần
Đảo lốp xe: Nên đảo lốp định kỳ do độ mòn của từng bánh xe khác nhau và chịu ảnh hưởng lớn từ hệ thống dẫn động xe (ví dụ: lốp xe trước sẽ mòn nhanh hơn lốp xe sau đối với xe dẫn động cầu trước) 5.000 - 10.000 km / lần
Thay dầu máy và hệ thống lọc dầu: Nên thay định kỳ để loại bỏ cặn dầu trong thời gian vận hành, tần suất thay phụ thuộc vào việc thường xuyên sử dụng xe (xe chạy ít phải thay thường xuyên hơn do dầu không sử dụng bị đọng lại gây hại cho xe); Loại dầu nhớt (dầu nhớt tổng hợp có chất lượng tốt hơn dầu nhớt từ nhựa thông nên thời gian thay cũng lâu hơn) và Loại xe (thay đổi tùy vào xe sử dụng) 5.000 - 10.000 km / lần
Bộ lọc gió cho động cơ và buồng lái: Nên thay định kỳ để đảm bảo xe chạy mát và ổn định, đặc biệt với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam 20.000 - 30.000 km / lần
Trợ lực lái điện: Kiểm tra và thay nước (do hệ thống này thường được vận hành bằng thủy lực) để tăng độ an toàn và thời gian sử dụng xe
Dầu hộp số sàn / dầu hộp số tự động: Nên thay định kỳ để đảm bảo an toàn khi vận hành hộp số, mặc dù với 1 số loại dầu tổng hợp các hãng xe khuyến nghị thời gian thay lâu hơn
Khoảng 50.000 km / lần
Bộ lọc nhiên liệu trong động cơ xe ô tô: Thay để đảm bảo không có cặn xăng hay các chất độc khác làm hao mòn động cơ 50.000 - 100.000 km / lần
Bugi cho động cơ xe ô tô: Thay để đảm bảo khả năng lái xe được ổn định 60.000 - 100.000 km / lần
Hệ thống dây an toàn: Cần thay nếu có dầu hiệu sờn cũ hoặc hỏng 80.000 - 100.000 km / lần
Hệ thống làm mát: Cần thay do sau 1 thời gian sử dụng, hệ thống này sẽ thải chất độc làm hỏng ống dẫn xả
Dầu phanh xe: Thay để đảm bảo phanh xe không bị mòn, gây nguy hiểm khi sử dụng xe
2 - 3 năm / lần
Ắc quy: Cần thay trong tối đa 5 năm; có thể phải thay sớm hơn nếu xe có dấu hiệu chạy chậm hơn bình thường, ắc quy có dấu hiệu rò rỉ, có vết nứt hoặc bị ăn mòn 2 - 5 năm / lần

Ngoài ra, bạn cũng nên tự thực hiện việc kiểm tra thường xuyên với các bộ phận / hệ thống như hệ thống lái xe, hệ thống phanh xe, hệ thống treo, hệ thống chiếu sáng hay thậm chí là các đèn ở trên táp lô để đảm bảo không có vấn đề gì bất thường khi lái xe. Tuy nhiên khi không chắc chắn về nguyên nhân hỏng xe, hãy mang xe ra kiểm tra tại 1 gara ô tô uy tín để tránh các rủi ro và chi phí tốn kém khi hỏng xe