Mẹo lái xe ô tô số sàn an tòan trong thành phố

Kinh nghiệm lái xe | 28/11/2019

Xe ô tô số sàn vốn không dễ điều khiển bởi nó đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kỹ năng lái xe thực tế. Với tình hình giao thông tại Việt Nam, việc di chuyển bằng xe số sàn càng khó khăn hơn gấp bội. Do đó, trong bài viết này Oto.com.vn sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm để lái xe số sàn an toàn trong thành phố. 

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

I. Xe ô tô số sàn là gì?

Xe ô tô số sàn là gì

Ô tô số sàn là loại xe mà người cầm lái phải đích thân điều khiển bằng tay

Ô tô số sàn (còn gọi là xe số tay) là loại xe mà người cầm lái phải đích thân điều khiển cần số bằng tay. Trong tiếng Anh, xe số sàn được viết tắt là MT - Manual Transmission. Thuật ngữ này được sử dụng để phân biệt với xe số tự động (AT - Auto Transmission), đây là loại xe tăng/giảm số tự động phù hợp với sức tải và tốc độ của xe. 

Muốn hoạt động trơn tru, xe số sàn cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba bộ phận là côn, số và ga. Trong đó, côn là chi tiết đặc trưng của xe số sàn, giúp bạn chuyển số khi xe đang vận hành. Chân côn nằm ở bên trái kế chân phanh, còn bên phải là chân ga. 

Hộp số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lái xe ô tô số sàn. Bởi vì đây là cơ cấu trung gian giữa bánh xe và động cơ, dùng để điều chỉnh tải trọng của xe ở vận tốc thích hợp cũng như tối ưu hóa chức năng của động cơ. Hộp số thường hoạt động theo nguyên tắc như sau:

- Xe đi chậm ở số thấp nhưng sức kéo mạnh (thích hợp khi xe vừa xuất phát, sắp dừng xe hoặc di chuyển trên đọan đường xấu).

- Xe đi nhanh ở số cao nhưng sức kéo thấp (phù hợp khi đi đường trường với vận tốc nhanh). 

II. Mẹo di chuyển bằng xe ô tô số sàn an toàn trong thành phố

Việc lái xe ô tô số sàn sẽ đem đến cảm giác lái phấn khích hơn cho người điều khiển, đồng thời giúp tiết kiệm nhiên liệu dù đi qua loại địa hình nào. Giá bán của xe số sàn cũng thấp hơn nhiều so với xe tự động. Song, điều kiện giao thông trong đô thị lại không mấy thuận lợi cho người lái xe số sàn, nhất là đối với tài xế mới. 

Chính vì vậy, bạn hãy tham khảo ngay một số kinh nghiệm khi điều khiển xe số sàn trong thành phố mà Oto.com.vn chia sẻ dưới đây:

1. Khởi động xe không bị giật

Khởi động xe không bị giật

Sau khi thắt dây an toàn và chỉnh ghế xe, thao tác đầu tiên bạn cần thực hiện trước khi khởi động xe là hạ thắng tay, sau đó mới đạp hết chân côn. Kế đến, bạn bắt đầu mở máy, đạp hết côn bằng chân trái và dùng tay phải để vào số 1. 

Lúc này, bạn sẽ nhả côn thật chậm rãi, không nhả nhanh vì có thể làm tắt máy. Bạn cũng dùng chân phải để nhẹ lên chân ga và nhả côn đến khi xe lăn bánh. 

Tiếp theo, bạn nhấn ga khi đồng hồ dừng ở mức 10 km/h, sau đó nhả côn và đạp thêm ga ở mức độ vừa phải. 

Bạn tiếp tục đạp ga, bỏ côn hòan toàn và di chuyển đều trên đường.

2. Lên số cao không bị giật

Tài xế thường có cảm giác xe hơi gằn và kêu to khi lên số cao. Chính vì thế, bạn nên chuyển số chậm hơn khi đang lên dốc hoặc muốn tăng tốc để tận dụng lực kéo lớn hơn ở số thấp. 

Khi đã xác định thời điểm lên số, bạn bắt đầu nhả ga và đạp hết chân côn. Hãy nhớ đạp thẳng côn để tách côn hoàn toàn, không gây hỏng hộp số khi chuyển số. 

Sau đó, bạn lên số cao hơn rồi bỏ côn và đạp thêm ga. Việc nhả côn và đạp ga cần làm cùng lúc khi mới nổ máy để xe không giật nhưng khi xe đã di chuyển, bạn có thể nhả côn nhanh khi lên số cao mà không làm xe bị giật. 

3. Về số thấp không bị giật

Bạn cần dựa vào tốc độ của động cơ để thực hiện việc chuyển số. Thông thường, xe sẽ hay bị giật cục khi tốc độ nằm dưới ngưỡng thích hợp đối với cấp số hiện tại và việc đạp ga không phát huy tác dụng tối ưu. Trường hợp này bạn cần đạp lút côn rồi chuyển về số thấp hơn. 

Bước kế tiếp, bạn sẽ nhả côn từ từ, đặt chân phải lên chân ga. Khi lùi về số thấp, xế yêu của bạn dường như là bị dừng đột ngột nên bạn cần nhích nhẹ ga để bắt kịp tốc độ vận hành của xe. 

Cuối cùng, bạn sẽ thả côn hoàn toàn và dùng chân ga để tiếp tục di chuyển. 

4. Phanh để dừng không bị giật

Các chuyên gia có kinh nghiệm lái ô tô cho rằng bạn không nên phanh xe khi đang ở số mo (số N), vì khi về số mo chiếc xe sẽ theo quán tính lao về phía trước khiến bạn khó làm chủ tốc độ và gây nguy hiểm. Theo đó, bạn nên phanh cho đến khi tốc độ vòng tua máy cao hơn chế độ chạy không tải, sau đó nhả côn và chuyển cần số về N. 

Bạn hãy đạp phanh để chắn chắn xe dừng hẳn, rồi bỏ phanh khi vận tốc chỉ còn dưới 20 km/h để xe lăn bánh đến chỗ đỗ. Việc này sẽ làm cân bằng trọng lực cho cả phía trước và phía sau, giúp xe không bị giật khi dừng. 

Ngoài ra, bạn nhớ giữ phanh khi xe đã dừng đối với điều kiện đường sá đông đúc hoặc ở địa hình không bằng phẳng. 

5. Vào cua

Vào cua đối với xe số sàn

Các bác tài cần lưu ý những điểm dưới đây trong lúc vào cua: 

- Không đạp thêm ga khi vào cua, trừ phi xe đi chậm.

- Chân phải nên để lên phanh trong lúc vào cua để phòng tránh tình huống khẩn cấp hoặc đạp nhầm chân ga. 

- Chỉ về số khi thấy xe đi chậm sau khi vào cua, không về số trước khi ôm cua. 

- Không đạp côn khi vào cua ở đường cong, đặc biệt là ở tốc độ cao vì sẽ khiến xe dễ bị trượt. 

- Trường hợp vào cua ở ngã tư với tốc độ thấp thì không cần đạp côn. 

- Nếu vào cua ở ngã tư vuông góc với vận tốc dưới 50 km/h, bạn có thể đạp côn trước, sau đó rà phanh để chuẩn bị cho tình huống bất ngờ. 

6. Vượt xe trên đường

Khi muốn vượt xe khác, bạn nên chuyển về số 3 rồi đạp phanh để không làm hư hại ly hợp và động cơ. Lưu ý dùng đèn xi-nhan và còi báo hiệu bởi hành động này sẽ đảm bảo an toàn cho bạn cũng như phương tiện xung quanh. Sau cùng, bạn có thể bỏ qua số 4 mà lên thẳng số 5 để tiết kiệm nhiên liệu. 

7. Về côn khi kẹt xe vào giờ cao điểm

Về côn khi kẹt xe

Tắc đường là chuyện thường tình ở huyện khi bạn lái xe ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM. Cách tốt nhất là khi thấy xe phía trước nhích thì bạn nhả côn để xe nhích theo. Trường hợp xe đi trước di chuyển đều thì bạn nhả côn đến đâu giữ đến đấy và đạp thêm ga. Bạn nên cho xe ra hết ở số 1 và đi đều bằng cách ru ga từ 1.000 - 1.200 vòng. 

Nếu xe đi trước bật đèn đỏ thì bạn hãy nhanh chóng đạp lút côn rồi thả trôi xe hoặc thả nhẹ chân thay cho việc rà thắng, còn khi xe đi tiếp thì bạn bắt côn trở lại. Bạn nên thao tác như thế cho đến khi xe phía trước dừng hoàn toàn. Sau đó bạn sẽ đạp phanh, nhả côn nhẹ nhưng dứt khoát. 

Việc lái xe số sàn ở thành phố phải dựa trên mật độ giao thông để chuyển số cho phù hợp. Bạn có thể điều khiển xe ở số cao khi điều kiện đường sá thông thoáng hơn, và ngược lại. Vì khi xe chưa đủ tốc độ mà bạn lên số cao thì sẽ gặp tình trạng ép số, khiến xe bị ì khi đạp ga và không đem lại tốc độ như chúng ta mong muốn. Đây cũng là lý do làm hư hỏng hộp số. 

Nhiều ý kiến cho rằng việc lái xe số sàn thật sự rất khó khăn đối với mật độ giao thông trong thành phố. Tuy nhiên, bạn chỉ cần sử dụng linh hoạt chân côn, phanh và điều chỉnh tốc độ phù hợp với số mà xe đang chạy, đồng thời tuân thủ đúng luật giao thông thì việc di chuyển bằng xe số sàn ở đô thị sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Hy vọng những kinh nghiệm mà Oto.com.vn chia sẻ sẽ giúp bạn có chuyến đi an toàn dù ở thành phố hay bất kỳ loại địa hình nào. 

                                                   Xe số sàn là gì? Tìm hiểu ưu nhược điểm của xe ô tô số sàn                                                  

                                                   7 điều cần ghi nhớ để lái xe số sàn mượt mà, hiệu quả

Đánh giá
0 (0 đánh giá)
loading
 
×

Nhập mã xác nhận

Bạn đã submit quá nhiều lần,
Hãy nhập mã xác nhận để tiếp tục.

Mã xác nhận
loading