Những thương vụ gây chấn động ngành công nghiệp ô tô thế giới
Lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới ghi nhận nhiều thương vụ "bạc tỷ" và có tầm ảnh hưởng lớn. Dưới đây là một số thương vụ nổi bật mang ý nghĩa lớn khi các thương hiệu ô tô non trẻ mua lại các thương hiệu lâu đời.
LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI
Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:
Tata mua lại Jaguar Land Rover
Tata nổi tiếng với những mẫu xe giá rẻ đến bất ngờ
Jaguar Land Rover trước khi ở dưới trướng của Tata đã qua tay khá nhiều ông lớn. Đến năm 2008, khi thương hiệu Ấn Độ Tata mua lại thương hiệu đã gây bất ngờ cho rất nhiều người.
Tata vốn là một thương hiệu của Ấn Độ, nổi tiếng với những mẫu xe giá rẻ đến bất ngờ. Tập đoàn này còn quá non trẻ trong lĩnh vực xe hơi và chưa từng sở hữu một thương hiệu xe sang toàn cầu nào. Bên cạnh đó, hãng xe Ấn cũng không sở hữu bất cứ công nghệ nổi bật nào để giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất các mẫu xe của Jaguar Land Rover.
Thời điểm năm 2008, thông tin Tata mua lại Jaguar Land Rover khiến rất nhiều người nghi ngờ. Chi phí Tata mua lại Jaguar Land Rover thấp hơn nhiều số tiền Ford bỏ ra trước đó để sở hữu Jaguar và Land Rover. Thậm chí nhiều người còn lo lắng hình ảnh của thương hiệu Anh Quốc sẽ bị đổ vỡ dưới trướng Tata.
Khi Tata mới sở hữu Jaguar Land Rover thực sự rất khó khăn. Năm 2008 cũng là điểm đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trước đó, Ford đã có một kế hoạch chi tiết để phát triển thương hiệu Anh Quốc tuy nhiên suy thoái kinh tế khiến doanh số bán xe sụt giảm và khó có thể tiếp cận nguồn vốn. Sau khi về dưới trước Tata, Jaguar Land Rover đã lỗ khoảng 540 triệu USD và thương hiệu Ấn phải đầu tư thêm 1,2 tỷ USD để tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh mà Ford đã lập ra trước đó.
Sau hơn 10 năm phát triển dưới công ty mẹ Tata, thương hiệu Jaguar Land Rover đã được hồi sinh với doanh số tăng trưởng mạnh, tăng liên tiếp trong nhiều năm. Bên cạnh đó, các dòng sản phẩm của Jaguar và Land Rover đều được xây dựng, tích hợp lại và mở rộng hơn. Hệ truyền động mới, công nghệ độc quyền, nền tảng khung gầm linh hoạt được áp dụng trên các dòng sản phẩm của Jaguar Land Rover.
Geely mua lại Volvo
Geely mua lại Volvo vào ngày 29/3/2010 là một “cú nổ lớn” trên thị trường xe hơi thế giới
Việc Geely mua lại Volvo vào ngày 29/3/2010 là một “cú nổ lớn” trên thị trường xe hơi thế giới. Lần đầu tiên một thương hiệu Trung Quốc có thể sở hữu một thương hiệu xe lâu đời của châu Âu. Theo đó, Ford đã bán lại thương hiệu Volvo cho Geely với giá 1,8 tỷ USD, một con số được xem là lỗ nặng khi hãng xe Mỹ đã mua thương hiệu này với giá 6 tỷ USD vào năm 1999.
Với thương vụ mua lại thương hiệu hàng đầu châu Âu cho thấy tham vọng vươn ra thị trường toàn cầu của các hãng xe Trung Quốc. Nguyên nhân khiến Ford bán đi hàng loạt các thương hiệu xe sang vì hãng dần chuyển trọng tâm sang phát triển các mẫu xe bình dân.
Xét về doanh số, có nhiều thời điểm Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều ô tô nhất thế giới. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng mà không hãng xe nào muốn bỏ lỡ, đặc biệt đây là thị trường đang đi đầu trong việc tiêu thụ dòng xe điện.
Geely là một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hàng Châu. Đây là hãng ô tô lớn thứ 2 tại Trung Quốc nếu chỉ xét về sản lượng xe từ năm 2010 tính tới nay. Tại các triển lãm ô tô, Geely gây ấn tượng không nhỏ khi cho ra mắt nhiều mẫu xe mới với thiết kế “tương tự” nhiều dòng xe sang nổi tiếng thế giới.
Sau khi tiếp nhận Volvo, Geely vẫn duy trì các hoạt động sản xuất tại Thụy Điển, ngoài ra hãng cũng cho xây thêm nhà máy tại Trung Quốc để sản xuất các mẫu xe mang logo Volvo.
BAIC nhăm nhe thị phần Daimler
BAIC đang nhăm nhe trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler
Mới đây nhất là thông tin về việc hãng xe Trung BAIC nhăm nhe trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler. Hiện tại, BAIC đang có những động thái rất rõ nét để thực hiện tham vọng này.
Mục tiêu ban đầu của BAIC là tăng gấp đôi cổ phần hãng sở hữu trong Daimler, từ 5% lên 10% bằng việc mua lại cổ phiếu từ bên thứ 3.
Hiện tại, BAIC là cổ đông lớn thứ 3 của tập đoàn Đức. Ví trí đầu tiên thuộc về hãng xe đồng hương Geely với 9,69% cổ phần. Nếu thương vụ của BAIC thành công, hãng sẽ có 1 ghế trong Ban kiểm soát của Daimler, điều mà chưa có bất cứ hãng xe Trung nào làm được. Tuy nhiên, phía Daimler cho biết chưa nhận được thông báo chính thức nào từ BAIC về việc mua thêm cổ phần.
"Sóng sau xô sóng trước" là quy luật bao đời nay. Nếu những kẻ đi trước không chịu thay đổi, cải tiến sẽ bị những thứ mới thay thế, ngành công nghiệp ô tô cũng không ngoại lệ. Do đó, những hãng xe lâu đời còn trụ vững được đến ngày nay đều phải luôn luôn đổi mới, nâng cấp và cải tiến để phù hợp với thời đại.