Thị trường ô tô Việt Nam chưa tìm được nhịp phục hồi trong nửa đầu 2024
Bất chấp "làn sóng" giảm giá, tăng ưu đãi diễn ra trên diện rộng, doanh số thị trường ô tô nửa đầu 2024 vẫn giảm gần 4% so với cùng kỳ 2023, vốn là năm đạt kết quả kinh doanh thấp nhất giai đoạn 2019-2023.
LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI
Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:
Bước qua năm 2023 với nhiều biến động về kinh tế vĩ mô cũng như khó khăn của thị trường hậu Covid, ngành công nghiệp ô tô được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh nửa đầu 2024 lại không khả quan như dự đoán.
Theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, thị trường ô tô Việt Nam đã tiêu thụ thành công 159.265 xe trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả này giảm nhẹ 3,7 % so với cùng thời điểm 2023 (165.338 xe), vốn là năm đạt kết quả kinh doanh thấp nhất giai đoạn 2019-2023.
Đà giảm diễn ra ở hầu hết các "ông lớn" như Toyota hay Hyundai. Cụ thể, Toyota bán ra 22.338 xe, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước (26.637 xe). Doanh số bán xe Hyundai giảm 17% khi đạt 19.293 chiếc. Các thương hiệu KIA và Mazda cũng ghi nhận kết quả bán hàng giảm, lần lượt ở mức 19% và 10% theo năm.
Những con số cụ thể trên cho thấy khó khăn của toàn thị trường vẫn còn đó và chưa thể giải quyết. Kinh tế chưa thực sự phục hồi, nhiều ngành nghề kinh doanh tiếp tục gặp khó, khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là với những tài sản có giá trị lớn như ô tô. Thêm vào đó, giá vàng liên tục biến động với mức tăng chóng mặt trong thời gian qua cũng khiến khách hàng có phần thận trọng hơn trong việc mua bán, đồng thời tập trung nguồn tiền vào các kênh đầu tư an toàn nhiều hơn.
Người mua ô tô Việt chưa vội "chốt đơn" vì còn chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Ảnh: Internet
Tâm lý chờ đợi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực cũng phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số thị trường giai đoạn vừa qua. Bởi, khách hàng kỳ vọng vào việc được hưởng "ưu đãi kép" từ cả đơn vị phân phối và Chính phủ sẽ giúp chi phí lăn bánh của một mẫu xe giảm thêm đáng kể.
Không ít tư vấn bán hàng tại đại lý cho biết, nhiều khách hàng đến showroom xem xe nhưng vẫn chưa chốt do còn chờ chính sách, hoặc chỉ cọc lấy suất đối với những mẫu xe "hot" và chờ khi có quyết định chính thức mới ra biển.
Anh Hưng Văn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Vợ chồng tôi rất thích phom dáng mới của All New Accent vừa ra mắt vào cuối tháng 5 vừa qua, cộng thêm chính sách giảm giá từ đại lý, chúng tôi tính chốt luôn. Nhưng bạn tôi khuyên nên chờ thêm 1 - 2 tháng nữa, khi lệ phí trước bạ được giảm thì hãy ra làm đăng ký. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm thêm được khoản chi phí lăn bánh đáng kể. Do chưa cần xe gấp nên tôi và vợ quyết định chờ chính sách theo lời khuyên của bạn."
Trên thực tế, có khá nhiều khách hàng cùng chung tâm lý giống vợ chồng anh Hưng Văn. Tuy nhiên, qua 3 kỳ giảm 50% lệ phí trước bạ trước đó cho thấy, khi chính sách Nhà nước đi vào thực tế, hầu hết các đơn vị bán hàng đều có động thái "co" ưu đãi nhằm bù lại phần nào chi phí kích cầu đã tung ra. Do đó, điểm lợi rõ nét có chăng chỉ diễn ra đối với khách mua xe nhập khẩu nguyên chiếc vì hãng và đại lý buộc phải đẩy mạnh ưu đãi giảm giá sâu hơn nữa để cạnh tranh doanh số với xe lắp ráp.
Dẫu vậy, bức tranh thị trường ô tô Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ dần phục hồi với các gam màu tươi sáng ở giai đoạn tiếp theo, khi chính sách Nhà nước được thông qua cộng hưởng cùng nhu cầu di chuyển tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là tháng cận Tết.
Người Việt quan tâm đến mẫu xe nào
-
Vios, Ranger được rao bán nhiều nhất trên thị trường xe cũ
-
10 mẫu ô tô cũ được tìm kiếm nhiều nhất tháng 7: Xe Toyota và Honda 'chiếm sóng'
-
Ô tô đã qua sử dụng trên 5 năm thanh khoản tốt, bất chấp tuổi đời xe
-
Người mua ô tô cũ dần cởi mở với các dòng xe Trung Quốc
-
Ô tô tầm giá nào được chọn mua nhiều nhất nửa đầu 2024?