Toyota 'cải tổ' lại ban lãnh đạo cấp cao của Daihatsu sau loạt bê bối liên hoàn

Thị trường ô tô | 16/02/2024

Việc thay thế lãnh đạo cấp cao nhất của Daihatsu được xem là một trong những động thái thể hiện rõ sự quyết tâm của Toyota trong việc cải tổ và củng cố hình ảnh thương hiệu trên toàn cầu.

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Loạt bê bối liên quan đến 3 công ty con gồm: Daihatsu Motor, Hino Motors và Toyota Industries đã ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của Tập đoàn sản xuất ô tô Toyota. Thậm chí, Daihatsu còn bị loại khỏi Hiệp hội Công nghệ Đối tác Thương mại Nhật Bản (CJPT), liên minh chiến lược phát triển công nghệ cho các dòng xe thương mại giữa Toyota, Isuzu, Suzuki và Daihatsu. 10% cổ phần của Daihatsu tại CJPT sẽ do Toyota nắm giữ.

Sau hành động xin lỗi của Chủ tịch Akio Toyoda hồi tháng trước, mới đây Toyota đã có những động thái cứng rắn hơn trong việc xử lý trách nhiệm quản lý cũng như khôi phục hình ảnh thương hiệu con Daihatsu.

Theo đó, Toyota đã quyết định "cải tổ" lại bộ máy nhân sự cấp cao của Daihatsu. Bộ máy Hội đồng Quản trị sẽ giảm từ 6 xuống còn 4 thành viên. Trong đó, Daihatsu chỉ giữ 1 vị trí, 3 vị trí còn lại thuộc về Toyota. Nội dung này đã được các cổ đông thông qua tại cuộc họp bất thường diễn ra vào ngày 12/2/2024.

Nhà máy Daihatsu Motor.

Nhà máy Daihatsu Motor ở Oyamazaki, Kyoto, Nhật Bản phải tạm dừng sản xuất do bê bối kiểm tra an toàn. Ảnh: Kyodo News

Đến ngày 13/2, tại cuộc họp báo chung giữa Toyota và Daihatsu ở Tokyo, ông Koji Sato - Chủ tịch Toyota đã tuyên bố Chủ tịch mới của Daihatsu là ông Masahiro Inoue - cựu Giám đốc điều hành Toyota khu vực Mỹ Latinh. Ông Masanori Kuwata sẽ đảm nhận vị trí Phó chủ tịch điều hành, chịu trách nhiệm cải tổ văn hóa doanh nghiệp. Vị trí Phó chủ tịch được trao cho ông Hiroshima Hoshika, đảm nhận vai trò xây dựng hệ thống vận hành liên quan đến các quy định và chứng nhận, đồng thời là người đứng đầu nhóm quản lý chất lượng của Daihatsu. Riêng vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ bỏ trống.

Hai lãnh đạo cấp cao đương thời của Daihatsu gồm Chủ tịch HĐQT Sunao Matsubayashi và Chủ tịch Soichiro Okudaira sẽ từ chức. Bộ máy lãnh đạo mới sẽ chính thức nhận nhiệm vụ kể từ ngày 1/3/2024.

"Sự mở rộng nhanh chóng của công ty đã dẫn tới những chệch choạc trong hoạt động", ông Inoue cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi muốn xây dựng lại Daihatsu".

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Koji Sato cũng khẳng định: "Giờ đây đã đến lúc chậm lại một chút để chấn chỉnh mọi thứ". Và việc "thay máu" loạt lãnh đạo Daihatsu không phải hình phạt đối với các nhân sự liên quan, mà là động thái thể hiện sự quyết tâm của Toyota trong việc tái cấu trúc công ty con, nhằm lấy lại vị thế, tái tạo lại hình ảnh và niềm tin của khách hàng về thương hiệu.  

Sau khi phát hiện gian lận dữ liệu kiểm tra an toàn trên 64 mẫu xe, Daihatsu buộc phải dừng giao tất cả các mẫu xe vào cuối năm 2023, trong đó có cả một số sản phẩm được bán dưới thương hiệu Toyota, Subaru và Mazda. Đáng chú ý, hành vi gian lận của Daihatsu được cho là đã kéo dài suốt 30 năm qua, dù chưa có vụ tai nạn nào xảy ra xuất phát từ gian lận này.

Đến tháng 1/2024, 10 mẫu xe của Toyota cũng bị liên đới bởi bê bối từ Daihatsu. Một số dòng xe "ăn khách" bậc nhất như Hilux hay Land Cruiser buộc phải tạm dừng bàn giao tại một số thị trường (không có Việt Nam) do phát hiện bất thường trong quy trình thử nghiệm động cơ.

Xem thêm: Doanh số xe Hyundai giảm mạnh trong tháng 1/2024, Accent tiếp tục là "nhân tố chủ lực"

loading
 
×

Nhập mã xác nhận

Bạn đã submit quá nhiều lần,
Hãy nhập mã xác nhận để tiếp tục.

Mã xác nhận
loading