Giá xe bán tải khó tăng nhưng lại có thêm “lạc” trước khi áp dụng phí trước bạ mới
Đứng trước tình thế bị tăng thuế lên 6%, thị trường xe bán tải (pick-up) trở nên sôi động hơn, xe cũ tăng giá còn xe mới kèm “lạc”.
LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI
Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:
Theo ghi nhận của Oto.com.vn, Nghị định số 20/2019 của Chính phủ quy định từ ngày 10/4/2019, xe bán tải đăng ký lần đầu sẽ phải chịu phí trước bạ bằng 60% ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Hiện nay, các loại xe dưới 9 chỗ ngồi đang phải chịu mức lệ phí trước bạ từ 10-12% tùy từng địa phương thì xe pick-up tới đây sẽ phải nộp phí trước bạ với 2 mức là 6% và 7,2% ở khu vực Hà Nội trên giá bán của xe. Trong khi đó, phí trước bạ của dòng xe đa dụng này hiện nay chỉ mất 2% lệ phí trước bạ.
Giá xe bán tải khó tăng nhưng lại có thêm “lạc” trước khi áp dụng phí trước bạ mới
Ví dụ một chiếc pick-up có giá bán 600 triệu đồng, với mức thuế trước bạ 2% thì khách hàng sẽ phải nộp thêm 12 triệu đồng nhưng số tiền này sẽ bị tăng lên tới 36-43 triệu đồng đối với mức tăng 6% mới. Chính điều này đã có tác động lớn đến nhu cầu mua xe trước khi quyết định này có hiệu lực ngày 10/4 của người tiêu dùng.
Xe bán tải mới thiếu hàng, xuất hiện tình trạng “bia kèm lạc”
Khảo sát tại một số đại lý Ford ở khu vực Hà Nội, Oto.com.vn ghi nhận được số lượng đơn đặt hàng mẫu Ford Ranger đã tăng vọt so với thời điểm trước đó. Trung bình mỗi ngày trước đây chỉ bán được 1 chiếc, thậm chí khoảng 3-4 ngày mới bán được 1 chiếc thì nay đã có đến 7 đơn hàng trong hai ngày. Tuy nhiên, hai phiên bản Ranger XLS 4×2 AT và XLS 4×2 MT lại bị rơi vào tình trạng thiếu hàng vì có giá bán hợp lý, khách lựa chọn rất đông.
Chính vì vậy mà tình trạng “bia kèm lạc” đã xảy ra với dòng xe Ford Ranger, cụ thể là hai phiên bản đắt khách. Về phía các nhân viên bán hàng vẫn chưa chắc chắn thời gian nào sẽ có xe để giao cho khách, đặc biệt là trước ngày 10/4 lại càng khó. Nếu khách nào muốn nhận xe trước khi thuế mới có hiệu lực thì phải mua thêm phụ kiện cho xe với mức giá dao động từ 30-40 triệu đồng. Tính ra thì giá “lạc” này cũng không thấp hơn so với việc phải chi trả phí trước bạ ở mức mới.
Ngoài 2 phiên bản Ranger trên bị thiếu hàng thì các phiên bản còn lại được xác nhận là vẫn đủ xe để giao cho khách ngay khi ký hợp đồng. Các đối thủ khác trong cùng phân khúc như Toyota Hilux, Mazda BT 50 hay Nissan Navara vẫn có đủ xe để bán nhưng lại không được hưởng các chính sách ưu đãi, giảm giá mạnh tay giống như thời điểm trước. Riêng Mitsubishi Triton mới ra mắt hồi tháng 1/2019 vừa qua thì khách hàng phải chờ đến lô nhập khẩu thứ 2 về.
Trên thực tế, hầu hết các mẫu xe bán tải đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài nên số lượng xe tại đại lý thường rất hạn chế. Kể cả nhu cầu tăng cao thì phía đại lý cũng không nhận được xe từ hãng để giao cho khách.
Giá xe bán tải cũ trở nên “hot”?
Đối với pick-up cũ, phí trước bạ vẫn là 2% ngang với xe mới ở thời điểm chưa tăng thuế. Đây là nguyên nhân vì sao mà các loại xe cũ thường không được “trưng dụng” nhiều cho lắm. Hơn nữa, ngoài sự lựa chọn về dòng pick-up thì khách hàng còn rất nhiều sự lựa chọn với các loại xe du lịch. Nhất là xe đã qua sử dụng chỉ phải chịu phí trước bạ bằng 2% của 50% giá trị xe, lợi thế hơn nhiều so với bán tải cũ. Do đó mà xe bán tải thường được bán nhiều ở các địa phương, còn ở Hà Nội bán rất ít vì khó cạnh tranh.
Cho đến khi thông tin tăng thuế lên 6% được báo động, những chiếc xe đã qua sử dụng cũng trở nên đắt giá hơn. Những chiếc xe được sản xuất trong thời gian từ 2011-2017 thường được rao bán với mức giá từ 300 đến hơn 700 triệu đồng, thấp hơn xe mới con số không đáng kể. Tình trạng này xảy ra cũng tương tự với các mẫu xe “hot” diễn ra hồi trước Tết Nguyên đán như Hyundai Santa Fe hay Honda CR-V.
Điều đáng lo ngại với thị trường xe bán tải
Các doanh nghiệp ô tô cho biết việc nhập khẩu xe pick up vẫn diễn ra bình thường vì kế hoạch đã được lên từ 3-4 tháng trước. Đại diện của Toyota Việt Nam tiết lộ số lượng xe nhập của họ sẽ tương đương với số lượng xe bán được mỗi tháng khoảng 500 chiếc Hilux. Mitsubishi cũng không nhập được số lượng xe Triton về được nhiều kể từ khi ra mắt đến nay. Mỗi lô xe mà hãng nhập về đã mất tới hơn 1 tháng để kiểm tra nên chắc chắn sẽ không có xe cho khách kịp trước ngày 10/4.
Nguồn cung không có dấu hiệu tăng trong khi số lượng khách muốn mua xe đang tăng lên từng ngày. Cùng với đó là mức lệ phí trước bạ sẽ tăng thêm đến gần 50 triệu đồng, không quá cao đối với khách hàng có nhu cầu với loại xe này. Vì thế, các doanh nghiệp cũng nhận định tình hình thị trường ô tô bán tải tại Việt Nam sẽ khó có thể tăng vào thời điểm trước khi áp dụng phí trước bạ mới. Nếu giá xe tăng sẽ chẳng khác nào đóng phí trước bạ mới nên chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng không mua xe tại thời điểm đó.
Hơn nữa, sau ngày 10/4 khi phí trước bạ mới được áp dụng sẽ có nguy cơ khiến doanh số loại xe này giảm dần. Để có thể cạnh tranh được với các đối thủ và giữ vững được doanh số thì các hãng sẽ phải tung ra nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu tiêu dùng. Nếu như vậy thì chi phí khách hàng cần bỏ ra để mua pick-up với lệ phí trước bạ mới cũng không tăng nhiều mà còn thoát khỏi tình trạng làm giá từ các đại lý.
Xem thêm:
Người Việt quan tâm đến mẫu xe nào
-
Vios, Ranger được rao bán nhiều nhất trên thị trường xe cũ
-
10 mẫu ô tô cũ được tìm kiếm nhiều nhất tháng 7: Xe Toyota và Honda 'chiếm sóng'
-
Ô tô đã qua sử dụng trên 5 năm thanh khoản tốt, bất chấp tuổi đời xe
-
Người mua ô tô cũ dần cởi mở với các dòng xe Trung Quốc
-
Ô tô tầm giá nào được chọn mua nhiều nhất nửa đầu 2024?