Hàng loạt ''ông lớn'' triệu hồi xe tại Việt Nam, câu hỏi về chất lượng xe lắp ráp và nhập khẩu?
Chỉ mới qua nửa tháng 8 mà tại Việt Nam đã có 3 hãng xe lớn, từ thương hiệu bình dân đến hạng sang công bố triệu hồi xe lỗi là Toyota, Ford và Mercedes-Benz. Ngoài ra, vấn đề xe Mercedes-Benz GLC bị nước vào cầu trước khiến nhiều khách hàng bức xúc, nghi ngờ về chất lượng xe lắp ráp trong nước.
Có vẻ nhưng công nghệ ô tô càng hiện đại thì càng dễ xảy ra lỗi nên những năm gần đây tỉ lệ triệu hồi xe ngày càng cao. Điều đặc biệt là, không chỉ những thương hiệu bình dẫn mà cả những thương hiệu hạng sang cũng gặp vấn đề này. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vụ thu hồi xe vì nhiều lỗi và từ nhiều thương hiệu khác nhau.
Toyota Corolla Altis bị cụm cảm biến túi khí
Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu tháng 8 đã có 3 hãng xe lớn là Toyota, Ford và Mercedes-Benz tại Việt Nam thông báo triệu hồi xe – những mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường nước ta. Cụ thể, Toyota Việt Nam (TMV) đưa ra 2 thông báo triệu hồi xe. Thông báo thứ nhất thu hồi 11.718 xe Vios, Corolla Altis và Yaris được sản xuất từ ngày 2/1 - 31/12/2013 (cả lắp ráp và nhập khẩu) do lỗi túi khí Takata. Thông báo thứ 2 ảnh hưởng đến 372 xe Toyota Corolla Altis được sản xuất từ ngày 16/12/2015 - 15/02/2016 để kiểm tra lại cụm cảm biến túi khí do lỗi trong dây chuyền sản xuất. Cảm biến túi khí phía trước hoặc bên hông có thể không hoạt động khi xảy ra va chạm dẫn đến túi khí an toàn không được kích hoạt, gây nguy hiểm cao cho người sử dụng. Trước đó, 20.000 xe Toyota và Lexus cũng đã được TMV thu hồi vào thời điểm tháng 3/2018 để thay thế cảm biến/cụm bơm khí.
'Ông vua bán tải' Ford Ranger cũng nằm trong diện triệu hồi
Ngoài ra, hãng xe bình dân của Mỹ - Ford cũng phải thông báo triệu hồi 2.566 xe Ranger tại Việt Nam do lỗi cáp chuyển số. Đây là mẫu pick-up bán chạy nhất thị trường nước ta nhiều năm liền. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do siết chặt nhập khẩu từ Nghị định 116 đã khiến mẫu bán tải của Ford không thể về nước dẫn đến doanh số sụt giảm. Theo thông báo từ Cục Đăng kiểm, 2.566 xe Ford Ranger nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan bị thu hồi sử dụng động cơ 2,2 lít và hộp số MT, nằm trong lô sản xuất từ ngày 5/6/2015 - 2/2/2016. Những chiếc xe bị lỗi có kẹp giữ cáp chuyển số không lắp khớp với miếng kim loại ở cáp phanh tay gây hỏng hóc cáp chuyển số và láp dọc dẫn đến xe mất hệ dẫn động/khó chuyển số.
Những chiếc Mercedes-Benz GLC 250 và GLC 300 bị ảnh hưởng vì chất lượng phụ tùng
- Nước lọt vào cầu trước, chủ xe Mercedes-Benz GLC tốn 100 triệu đồng để sửa chữa
- Mercedes GLC chuẩn bị đạt mốc 5.000 xe bán tại thị trường Việt
Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, hãng xe sang của Đức Mercedes-Benz lại đưa ra thông báo triệu hồi dòng xe bán chạy GLC vì dính 2 lỗi liên tiếp. Cụ thể, 765 chiếc GLC 250 và GLC 300 bị ảnh hưởng vì chất lượng phụ tùng mô-đun công tắc và cuộn dây từ nhà cung cấp Valeo có vấn đề. Hai trang bị này bị ảnh hưởng, dẫn đến hậu quả khiến túi khí kích nổ mất kiểm soát trong một số trường hợp nhất định, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Tuy nhiên, riêng đối với Mercedes-Benz, sự việc chưa dừng tại đó khi hàng trăm khách hàng của dòng GLC đã phản ánh về tình trạng xe lọt nước vào vi sai cầu trước. Phía hãng cho biết đây không phải là lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất nên không có cuộc triệu hồi nào được tiến hành. Mercedes-Benz Việt Nam chỉ khuyến cáo người dùng không nên đưa xe vào cùng ngập quá 300 mm hoặc đưa xe đến các đại lý chính hãng để kiểm tra chất lượng dầu vi sai để được tư vấn thêm. Tuy nhiên, khách hàng Việt dường như vẫn chưa thực sự hài lòng đối với cách xử lý của hãng xe Đức.
Hàng loạt 'ông lớn' triệu hồi xe tại Việt Nam, câu hỏi về chất lượng xe lắp ráp và nhập khẩu?
Đây cũng là dòng xe được lắp ráp trong nước nên nhiều người đã đặt ra câu hỏi về vấn đề chất lượng của dòng xe lắp ráp nội địa và nhập khẩu. Từ trước đến nay, tâm lý của người Việt Nam thường ưu ái cho các dòng xe nhập khẩu do quan niệm xe lắp ráp nước ngoài chất lượng hơn. Tuy nhiên, thực tế là dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, những mẫu xe xuất xưởng đều phải đảm bảo đúng quy trình chung của Mercedes-Benz.
Ngoài ra sự việc Honda CR-V mới bị gỉ sét khi đưa vào vận hành. Phía Honda Việt Nam cho biết, mức độ gỉ sét sẽ khác nhau tùy vào độ ẩm, hàm lượng muối trong không khí và môi trường nước, đồng thời khẳng định vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống treo cũng như khả năng vận hành của xe. Tuy nhiên, câu trả lời của HVN vẫn chưa thật sự thuyết phục được người tiêu dùng khi phần lớn đều bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này cũng như độ an toàn của những chiếc xe bị gỉ sét.
Như chúng ta thấy, không chỉ những mẫu xe lắp ráp trong nước phải triệu hồi để sửa lỗi mà cả những mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc cũng gặp các vấn đề. Mặc dù vậy, khách hàng có thể thấy rõ giá xe ô tô tại Việt Nam rất cao mà trang bị lại kém nhiều nếu so với cùng một dòng xe, một phiên bản ở thị trường khác như Nhật, Mỹ, Hàn… Đây cũng là điều thiệt thòi cho người tiêu dùng trong nước.