Lịch sử 60 năm của động cơ ô tô đặt giữa
Thế giới đã và đang chứng kiến rất nhiều mẫu xe có động cơ ô tô đặt giữa nổi tiếng từ các hãng xe Ý, Anh, Nhật... Theo đó, cấu hình động cơ này có tuổi đời gắn bó với người hâm mộ khá dài, tận gần 6 thập kỷ và chúng sẽ còn tiếp tục xuất hiện trên những mẫu xe đỉnh cao tương lai, đáng ghi danh vào lịch sử.
LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI
Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:
Lịch sử 60 năm của động cơ ô tô đặt giữa
Bonnet Djet (1961)
Đây chính là mẫu xe đường phố động cơ đặt giữa đầu tiên trên thế giới. Bonnet Djet đã sử dụng linh kiện của Renault. Sau khi Bonnet không thể tiếp tục dự án, Matra đã tiếp quản việc sản xuất mẫu xe này.
De Tomaso Vallelunga (1964)
Mẫu 'siêu xe' De Tomaso Vallelunga không có gì độc hơn ngoài việc được trang bị động cơ Ford Cortina 1,5 lít. Vallelunga trông tuyệt vời nhưng chỉ có thể đạt tốc độ tối đa 180km/h. Chỉ có 58 chiếc De Tomaso Vallelunga “ra lò” trong khoảng thời gian từ năm 1965-1967.
Ford GT40 (1965)
Khi Ford bị cản trở trong nỗ lực mua Ferrari vào năm 1963, hãng đã trả đũa bằng cách tạo ra một mẫu xe cạnh tranh tại giải đua Le Mans. Một bộ phim khá thú vị về mối liên quan giữa Ford và Ferrari trong quá khứ sẽ ra mắt vào cuối năm 2019.
Lamborghini Miura (1966)
Khi phiên bản nguyên mẫu trình làng tại triển lãm ô tô Geneva 1966, Lamborghini cho rằng hãng chỉ có thể bán được 20 chiếc Miura. Tuy nhiên, bảy năm sau, đã có tới 763 chiếc Lamborghini Miura được chế tạo và tất cả đều có động cơ 3.929cc V12 đặt giữa.
Unipower GT (1966)
Được xem là mẫu xe thể thao động cơ đặt giữa có giá phải chăng đầu tiên của nước Anh, Unipower GT sở hữu các bộ phận cơ học của hãng Mini và được chế tạo rất đẹp. Mặc dù vậy, xe quá tốn kém để có thể tồn tại và chỉ có 75 chiếc được sản xuất trong 2 năm.
Porsche 914 (1969)
Có cảm giác lái rất tuyệt vời và giá rất đắt khi mới ra mắt, Porsche 914 được trang bị động cơ VW 411 tinh chỉnh với dung tích 1,7 hoặc 1,8 hoặc 2 lít. Một số chiếc sử dụng động cơ 2 lít 6 xi-lanh đặt phẳng từ Porsche 912. Tổng cộng đã có hơn 100.000 chiếc Porsche 914 được sản xuất.
Clan Crusader (1971)
Với động cơ Hillman và thân xe bằng sợi thủy tinh trọng lượng nhẹ, Clan Crusader rất nhanh và tiết kiệm nhiên liệu. Đã có 315 chiếc được chế tạo trước khi xe bị khai tử.
De Tomaso Pantera (1971)
Với động cơ 5,8 lít V8, đây là siêu xe Ý có giá cả tương đối phải chăng. Nhưng giống như hầu hết các mẫu xe cùng hãng, Pantera (tiếng Ý nghĩa là báo đen) được chế tác cực kỳ kém mặc dù trông vẫn đẹp. Hơn 7.000 chiếc De Tomaso Pantera đã “ra lò” trong vòng 21 năm.
Maserati Bora (1971)
Được thiết kế và chế tạo vào thời điểm Citroen sở hữu Maserati, đây là mẫu xe động cơ đặt giữa đầu tiên của công ty. Được thiết kế bởi Giorgetto Giugiaro, Maserati Bora trông tuyệt vời nhưng không có doanh số tốt. Từ năm 1971-1978, chỉ có 571 chiếc được bán ra.
Fiat X1/9 (1972)
Được cho là mẫu xe thể thao động cơ đặt giữa giá cả phải chăng đầu tiên, Fiat X1/9 ban đầu sử dụng động cơ 1,3 lít và đạt tốc độ tối đa chỉ 159km/h. Từ năm 1978, mẫu xe này đã đón nhận động cơ 1,5 lít.
Ferrari Boxer (1973)
Bị choáng ngợp bởi sự thành công của Lamborghini Miura, Ferrari đã phải tung ra mẫu xe cạnh tranh Boxer. Với động cơ 12 xi-lanh đặt giữa đầu tiên của hãng, Ferrari Boxer có thể đạt tốc độ tối đa 274km/h. Từ năm 1976, động cơ 4,9 lít đã được trang bị cho xe.
Lancia Stratos (1973)
Với động cơ 2,4 lít V6 đặt giữa, Lancia Stratos đã chứng tỏ sự thành công lớn trên đường đua.
Lamborghini Countach (1974)
Lamborghini Countach là mẫu siêu xe trông cực kỳ ấn tượng. Cỗ máy động cơ V12 này đã tồn tại 16 năm và chỉ dừng sản xuất vào năm 1997.
Lancia Montecarlo (1975)
Lancia Beta có vẻ không phải là điểm khởi đầu hứa hẹn nhất cho một mẫu xe thể thao có giá ở mức trung bình. Tuy nhiên, Lancia Montecarlo (hay còn gọi là Scorpion ở Mỹ) thực sự khá thú vị. Với động cơ 4 xi lanh dung tích 1,8 hoặc 2 lít, Montecarlo nhanh nhẹn, xử lý tốt và trông gọn gàng. Xe thậm chí có sẵn cả hai phiên bản coupe và spyder.
Lotus Esprit (1976)
Là mẫu xe Lotus động cơ đặt giữa thứ hai sau Europa, Esprit đã trở thành mẫu xe biểu tượng nhờ James Bond. Ban đầu được thiết kế bởi Giugiaro, Lotus Esprit đã có bản cập nhật vào năm 1987 với những đường nét mềm mại hơn.
AC 3000ME (1978)
ME là viết tắt của động cơ đặt giữa. AC 3000ME là mẫu xe đầu tiên trong lịch sử của AC có cấu hình như vậy. Tuy nhiên, xe đã lỗi thời khi ra mắt và chỉ sản xuất 100 chiếc.
BMW M1 (1979)
Đây là mẫu xe đầu tiên đến từ chi nhánh M và cũng là mẫu xe động cơ đặt giữa đầu tiên của BMW. Sức mạnh đến từ động cơ 3.453cc cổ điển mạnh 277 mã lực. Từ năm 1979-1980, đã có 456 chiếc BMW M1 được chế tạo. Bây giờ, các nhà sưu tầm đang “săn lùng” gắt gao mẫu xe này.
Matra Murena (1980)
Ban đầu có tên là Bagheera,xe sau đó đổi tên thành Murena ở bản cập nhật. Cả hai phiên bản đều có bố trí chỗ ngồi khác lạ và sử dụng linh kiện từ Renault.
Renault 5 Turbo (1980)
Renault đã tạo ra Turbo để chạy trên đường đua là chính nhưng phiên bản đường phố cũng được sản xuất. Tất cả 1.820 chiếc Renault 5 Turbo rời khỏi nhà máy đều trang bị động cơ tăng áp 1.397cc 4 xi-lanh mạnh 158 mã lực.
De Lorean DMC-12 (1981)
Với thân xe bằng thép không gỉ, cửa cánh chim và động cơ V6 dung tích 2.849cc, DMC-12 trông đầy hứa hẹn. Đáng tiếc là De Lorean đã bị vướng phải một vụ bê bối và tất cả đã kết thúc chỉ sau một năm với chỉ 8.353 chiếc De Lorean DMC-12 được sản xuất.
Pontiac Fiero (1983)
Các công ty Mỹ thường tránh sản xuất những mẫu xe động cơ đặt giữa. Vì vậy, Pontiac Fiero là ngoại lệ lớn bởi lẽ General Motors là hãng xe rất bảo thủ. Mặc dù đã có 370.000 chiếc Fiero được sản xuất trong 5 năm, mẫu xe này đã bị chỉ trích nặng nề vì động năng, chất lượng chế tác và độ an toàn kém.
Toyota MR2 (1984)
Trong thị trường xe thể thao giá cả phải chăng, Fiat đã có mẫu xe X1/9. Toyota cũng không chịu kém cạnh khi tung ra MR2 với động cơ 1,6 lít, độ tin cậy tuyệt vời và khung gầm tốt. Có tới 3 phiên bản của MR2 trong khoảng thời gian từ 1984-2005 nhưng phiên bản gốc được cho là tốt nhất.
Ford RS200 (1985)
Được trang bị động cơ tăng áp BDT 1,8 lít, RS200 là mẫu xe đặc biệt với sức mạnh 250 mã lực. Xe cũng có các phiên bản khác với công suất lên tới 650 mã lực. Ford RS200 đáng lẽ đã có thể đã tỏa sáng trên đường đua nhưng mọi chuyện đã chấm hết trước khi RS200 kịp bước vào thời kỳ huy hoàng.
Nissan Mid-4 (1985)
Nissan đã sản xuất một mẫu siêu xe dẫn động 4 bánh động cơ đặt giữa vào năm 1985 và một phiên bản khác vào năm 1987. Cả hai đều có động cơ tăng áp kép 3 lít V6. Phiên bản thứ 3 đã đến với động cơ 4,5 lít V8 nhưng sau đó là thời kỳ suy thoái.
MG Metro 6R4 (1986)
MG Metro 6R4 không tạo ra sự nổi bật trong số rất nhiều mẫu xe đua nhóm B. Chỉ có khoảng 200 chiếc Metro 6R4 đã được chế tạo, một số là xe đường phố 250 mã lực và còn lại là xe đua 380 mã lực.
Ferrari F40 (1987)
Đây có thể là mẫu xe Ferrari vĩ đại nhất từ trước đến nay do là cỗ máy Maranello cuối cùng được phát triển và trình làng trước khi Enzo Ferrari qua đời. Đây cũng là mẫu xe kỷ niệm 40 năm thành lập công ty. Với động cơ tăng áp kép V8 mạnh 478 mã lực, đây là mẫu xe Ferrari đầu tiên có thể đạt tốc độ 322km/h.
Ginetta G32 (1989)
Vốn chỉ chế tạo xe động cơ đặt sau trước đây nhưng Ginetta G32 là mẫu xe đầu tiên của công ty có bố trí động cơ đặt giữa. Động cơ Ford 1.6 CVH giúp xe có tốc độ tối đa 193km/h. Người mua cũng có thể chọn giữa phiên bản coupe hoặc mui trần.
Panther Solo 2 (1989)
Vào năm 1985, Panther Solo ban đầu được lên kế hoạch là mẫu xe 2 chỗ ngồi động cơ đặt giữa có giá cả phải chăng. Sau đó, Toyota giới thiệu MR2 buộc Panther phải thay đổi kế hoạch. Đáng tiếc đây lại là bước đi sai lầm khi chỉ có 12 chiếc Panther Solo 2 được sản xuất.
Vector W8 (1989)
Câu chuyện về Gerry Wiegert và công ty Vector Aeromactor của mình xứng đáng được dựng thành phim. Được thành lập vào năm 1978, Vector chỉ chế tạo 22 chiếc ô tô từ năm 1989-1993. Công ty đã bị bán ngay sau đó nhưng Wiegert đã cố gắng mua lại và vẫn đang phát triển một mẫu siêu xe mới với công suất 1.850 mã lực.
Honda NSX (1990)
Honda đã biến ý tưởng siêu xe động cơ đặt giữa trở thành hiện thực với NSX. Xe có thiết kế mang lại độ tin cậy, tính tiện dụng và hiệu suất tuyệt vời. Xe thậm chí còn có cảm giác lái tốt hơn so với Ferrari 348 đương đại.
Bugatti EB110 (1991)
Với động cơ tăng áp V12 với 60 van, xe cung cấp năng lượng cho cả 4 bánh thông qua hộp số 6 cấp. Mẫu quái xế 542 mã lực này đã gây ra sự kinh ngạc nhưng cũng có giá đắt đỏ. Chính vì vậy, chỉ có 139 chiếc được sản xuất trước khi công ty phá sản.
Honda Beat (1991)
Để chứng minh rằng xe nhỏ vẫn chứa đựng được những điều tốt nhất, Honda đã cho ra đời Beat với động cơ tăng áp 656cc 3 xi-lanh đặt giữa. Xe trông tuyệt đẹp và có giá cả phải chăng. Chính vì vậy, đã có hơn 33.000 chiếc Honda Beat ra lò trong hơn 5 năm.
Autozam AZ-1 (1992)
Không giống như Honda Beat mui trần, Autozam AZ-1 là mẫu xe coupe với cửa cánh chim. Autozam là công ty con của Mazda và đã cấp phép để Suzuki sản xuất phiên bản AZ-1 của riêng mình gọi là Cara.
Jaguar XJ220 (1992)
Ban đầu là mẫu xe concept dẫn động 4 bánh động cơ V12 tuy nhiên XJ220 bản sản xuất có động cơ tăng áp kép V8 và dẫn động cầu sau. Xe vẫn có thể đạt tốc độ 338 km/h nhờ sức mạnh 542 mã lực. Đáng tiếc là chỉ có 274 chiếc Jaguar XJ220 được sản xuất.
McLaren F1 (1992)
Có vẻ như chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại mẫu xe tương tự như thế này nữa. Chỉ có 106 chiếc McLaren F1 được chế tạo và 64 chiếc trong số này là xe đường phố. Cỗ máy 627 mã lực này trang bị động cơ V12 hút khí tự nhiên có nguồn gốc từ BMW.
MG F (1995)
Đây là mẫu xe đường phố động cơ đặt giữa đầu tiên của MG và là phiên bản sản xuất của EX-E concept. Nhanh nhẹn và thú vị, MG F thậm chí còn trở nên tốt hơn khi được ra mắt lần 2 với tên gọi TF và hệ thống treo bằng thép thay cho dạng nguyên bản.
Ariel Atom (1996)
Dựa trên Lotus 7, Ariel Atom là cỗ máy hiệu suất đặt cảm giác lái thú vị lên hàng đầu. Mẫu xe nguyên bản ban đầu có động cơ 2 lít 4 xi-lanh hút khí tự nhiên. Các động cơ tăng áp và V8 đã xuất hiện sau đó.
Lotus Elise (1996)
Lotus từ lâu đã là hãng xe nổi tiếng về động lực học sắc nét và Lotus Elise thế hệ đầu tiên chính là minh chứng rõ ràng nhất về điều này. Nhanh, nhẹ, tiết kiệm nhiên liệu và giá cả phải chăng, đây được xem là mẫu xe hoàn hảo đối với nhiều người.
Porsche Boxster (1996)
Porsche đã ở trên bờ vực phá sản khi quyết định chuyển xuống thị trường kém cao cấp hơn với một mẫu xe mui trần giá cả phải chăng hơn. Porsche Boxster là vị cứu tinh của công ty với chất lượng tốt cùng với động cơ 6 xi-lanh đặt giữa.
Renault Sport Spider (1996)
Renault cần một sản phẩm để cải thiện hình ảnh của hãng trong những năm 1990, và Sport Spider chính là mẫu xe như vậy. Tuy nhiên, quá trình sản xuất chỉ kéo dài 18 tháng với chỉ 1.800 chiếc Renault Sport Spider được chế tạo.
Bentley Hunaudieres concept (1999)
Ra mắt tại triển lãm ô tô Geneva 1999, đây là mẫu xe động cơ đặt giữa đầu tiên của Bentley. Sức mạnh của xe đến từ động cơ 8 lít W16 hút khí tự nhiên 623 mã lực. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 354km/h. Nhưng với việc Volkswagen đã phát triển Bugatti Veyron, mẫu xe này của Bentley trở nên không có nhiều ý nghĩa.
Pagani Zonda (1999)
Horacio Pagani đã bắt đầu tự chế tạo những mẫu ô tô của riêng mình và Zonda là một trong những sản phẩm đầu tiên. Mỗi chiếc Pagani Zonda đều có động cơ Mercedes-AMG V12 với công suất 444-789 mã lực tùy thuộc vào phiên bản.
Noble M12 (2000)
Với động cơ tăng áp kép Ford Duratec mạnh từ 310 mã lực trở lên, đây thực sự không phải là mẫu xe dành cho những người yếu tim.
Saleen S7 (2000)
Được phát triển bởi Ray Mallock ở Anh nhưng Saleen S7 là siêu xe mang “dòng máu Mỹ”. Ban đầu có động cơ V8 mạnh 550 mã lực, xe đã trang bị tiêu chuẩn với động cơ tăng áp vào năm 2005 để tăng công suất lên 750 mã lực. Quá trình sản xuất S7 kéo dài cho đến năm 2009.
Vauxhall VX220 (2000)
Là mẫu xe “anh em” của Lotus Elise và được bán ở châu Âu với tên gọi Opel Speedster, VX220 được cho là mẫu xe thú vị nhất của Vauxhall. Phiên bản Turbo sau đó thậm chí còn giảm thời gian tăng tốc 0-100km/h từ 5,6 giây xuống còn 4,7 giây.
Renault Clio V6 (2001)
Clio V6 ra mắt vào năm 2001 và được phát triển bởi TWR. Thế hệ thứ 2 đã đến vào năm 2003 và mạnh mẽ hơn với công suất 252 mã lực so với 222 mã lực của các thế hệ trước đó.
Ferrari Enzo (2002)
Ngoài tên gọi mang tên của người sáng lập Ferrari, mẫu xe này còn được gọi là F60. Dù là xe đường phố nhưng Enzo được trang bị công nghệ F1 với động cơ 6 lít V12 hút khí tự nhiên mạnh 650 mã lực.
Koenigsegg CC8S (2002)
Là mẫu xe khởi đầu đối với nhà sản xuất xe hơi Thụy Điển, Koenigsegg CC8S ban đầu được đặt tên là Sethera Falcon. Đây là siêu xe có thể đánh bại tốc độ 386km/h của McLaren F1.
Lamborghini Gallardo (2003)
Là mẫu xe phiên bản sản xuất đầu tiên của Lamborghini có động cơ V10, Gallardo đã đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới của nhà sản xuất ô tô Ý. Vào thời điểm dừng sản xuất năm 2014, Lamborghini Gallardo dễ dàng trở thành mẫu xe bán chạy nhất mọi thời đại của Lamborghini với hơn 14.000 chiếc rời khỏi dây chuyền sản xuất ở dạng dẫn động 2 và 4 bánh.
Chrysler ME412 (2004)
Giá như Chrysler không phá sản thì ME412 có thể đã được sản xuất nhưng thực tế lại không như vậy. Với động cơ 6 lít V12 mạnh 850 mã lực, Chrysler cho rằng tốc độ 402km/h là có thể đạt được. Khó có thể trách rằng Chrysler thiếu tham vọng nhưng thực tế là siêu xe mang thương hiệu Chrysler sẽ rất khó bán.
Porsche Carrera GT (2004)
Carrera GT ban đầu được dự định có 6 xi-lanh đặt phẳng nhưng cuối cùng Porsche lại trang bị động cơ 5,7 lít V10 vốn dành cho đội đua Footwork F1 vào năm 1992. Chỉ có 1.270 chiếc được sản xuất mặc dù con số được lên kế hoạch là 1.500 chiếc.
Bugatti Veyron (2005)
Với tốc độ tối đa là 406km/h, Bugatti Veyron đã đạt kỷ lục thế giới là mẫu xe phiên bản sản xuất nhanh nhất từng được tạo ra cho đến khi xe Shelby xuất hiện. Vì vậy, Bugatti đã tung ra phiên bản Veyron Super Sport thậm chí còn nhanh hơn với tốc độ khủng khiếp 431km/h.
Gumpert Apollo (2005)
Gumpert Apollo được chính cựu kỹ sư của Audi là Roland Gumpert thiết kế. Xe trang bị động cơ tăng áp kép 4,2 lít V8 để mang đến tốc độ tối đa 354km/h. Mọi thứ trôi qua cho đến năm 2013 khi Gumpert phá sản.
Audi R8 (2006)
Bắt đầu dưới dạng Le Mans concept vào năm 2003, Audi R8 đã được sản xuất 3 năm sau đó với động cơ V8. Sau đó xe đã có phiên bản V10, Spyder và R8 hoàn toàn mới vào năm 2015. Tuy nhiên, Audi R8 không có phiên bản xe điện hoặc động cơ diesel.
SSC Ultimate Aero (2006)
Trong một thời gian, đây chính thức là mẫu xe phiên bản sản xuất nhanh nhất thế giới nhờ tốc độ đỉnh cao 412km/h. Với động cơ tăng áp kép V8, xe có công suất 1.183 mã lực và mô-men xoắn 1.483km/h. Quá trình sản xuất đã kết thúc vào năm 2013 và mẫu xe kế nhiệm Tuatara vẫn chưa đến.
Jaguar C-X75 (2010)
Khi Jaguar C-X75 ra mắt tại triển lãm ô tô Geneva 2010, xe rất có triển vọng được sản xuất. Dự kiến có 250 chiếc sẽ được lắp ráp với mức giá 700.000 bảng Anh (21 tỷ đồng). Đáng tiếc là kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào năm 2013 do sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu. Nhà thiết kế Ian Callum gần đây đã tuyên bố nghỉ hưu và ông cho biết "Nỗi buồn lớn nhất của tôi khi còn làm ở Jaguar là C-X75 đã không được sản xuất".
Pagani Huayra (2012)
So với “đàn anh” Zonda, Pagani Huayra trông tuyệt vời từ mọi góc độ, thậm chí còn có cảm giác lái tốt hơn và thậm chí nhanh hơn. Vẫn được trang bị động cơ tăng áp kép V12 của Mercedes-AMG, Huayra có thể đạt tốc độ tối đa 383km/h.
Alfa Romeo 4C (2013)
4C chính xác là loại xe mà Alfa Romeo nên chế tạo. Được làm từ sợi cacbon và trang bị động cơ tăng áp 1.750cc đặt giữa, 4C giống như là Lotus Elise của Alfa. Đáng tiếc rằng xe không có giá bình dân. Khả năng xử lý của xe không tinh tế và xe cũng không có tùy chọn hộp số sàn. Đó là lý do tại sao xe bán được rất ít.
Ferrari LaFerrari (2013)
Nối gót F40, F50 và Enzo, Ferrari LaFerrari được chế tạo với số lượng hạn chế (500 chiếc coupe và 210 chiếc mui trần). Xe có sức mạnh 950 mã lực, khả năng tăng tốc 0-200km/h trong 15 giây và có giá 1,15 triệu bảng (34 tỷ đồng).
Lamborghini Veneno (2013)
Dựa trên Aventador, Lamborghini Veneno 740 mã lực được chế tạo dưới dạng coupe và roadster với tổng sản lượng chỉ 14 chiếc. Mỗi chiếc được bán ra trước đó với giá khoảng 3 triệu euro (79 tỷ đồng).
McLaren P1 (2013)
McLaren có thể không bao giờ chế tạo một mẫu xe nào khác sở hữu sự thuần khiết và đơn giản của F1 nhưng P1 là “hậu duệ” được đánh giá cao. Với hệ thống truyền động hybrid xăng/điện, mẫu xe 903 mã lực có thể đạt tốc độ 0-300km/h trong 16,5 giây.
Porsche 918 Spyder (2013)
Giống như các đối thủ LaFerrari và P1, Porsche 918 Spyder là siêu xe hybrid xăng/điện giá cực đắt đỏ và được chế tạo với số lượng hạn chế. Với sức mạnh 875 mã lực, xe có thể tăng tốc từ 0-300hm/h trong 19,9 giây và đạt tốc độ tối đa 344km/h. Với tổng sản lượng lên tới 918 chiếc, mẫu xe Porsches này không quá hiếm so với các đối thủ nước Ý và Anh.
Bugatti Chiron (2016)
Với động cơ tăng áp tứ W16 mạnh 1.479 mã lực, Chiron được giới hạn tốc độ ở mức 420km/h để giúp lốp tránh bị tan rã. Mặc dù có mức giá tới 2,4 triệu euro (63 tỷ đồng), hơn 200 chiếc Chiron đã được bán sạch trong thời gian ngắn.
Ford GT (2017)
Focus và Fiesta có thể là những chiếc xe tuyệt vời nhưng thật khó để tin rằng bộ đôi này còn có “anh em” xe đua GT. Với động cơ tăng áp kép 647 mã lực và được sản xuất với số lượng hạn chế, GT thế hệ thứ hai có khả năng sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà sưu tầm xe. Ford GT cũng sẽ xuất hiện trong bộ phim Ford v Ferrari công chiếu vào cuối năm 2019 với sự tham gia của diễn viên Matt Damon và Christian Bale.
Aston Martin Vanquish Vision concept (2019)
Aston Martin chưa bao giờ chế tạo một mẫu xe phiên bản sản xuất với động cơ đặt giữa. Vì vậy, việc Vanquish Vision concept xuất hiện tại triển lãm ô tô Geneva 2019 đã gây ra sự ngạc nhiên. Xe dự kiến sẽ đến các showroom vào năm 2022 và đối đầu với các siêu xe Ferrari, McLaren và Lamborghini.
Chevrolet Corvette (2020)
Corvette thế hệ thứ 8 với động cơ đặt giữa sẽ ra mắt vào tháng 7 năm nay. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Corvette không còn bố cục động cơ đặt trước vốn có. Sức mạnh của xe sẽ đến từ phiên bản tinh chỉnh của động cơ 6,2 lít V8. Những ưu điểm của xe phải kể đến là nhẹ, phản ứng nhanh, tương đối rẻ để chế tạo và có thể tạo ra công suất tối thiểu khoảng 500 mã lực. Hy vọng rằng Corvette mới sẽ được đánh giá cao trong thị trường xe động cơ đặt giữa.