Muôn kiểu lách luật của dân nhậu khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Thị trường ô tô | 07/02/2020

Sau khi tăng mức phạt tối đa đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, nhiều tài xế đã tung chiêu đối phó mỗi khi bị CSGT... "sờ gáy".

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Kể từ ngày 01/01/2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực với nội dung tăng mức phạt tối đa đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Các chuyên gia khám phá ô tô cho biết, mức phạt cao nhất là 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy cùng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 năm.

Muôn kiểu lách luật của dân nhậu khi bị kiểm tra nồng độ cồn a1

Muôn kiểu lách luật của dân nhậu khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Việc tăng mức phạt giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do tài xế sử dụng bia, rượu. Thế nhưng, nhiều tài xế vẫn tìm cách thoát thân khi bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Một số người điều khiển xe đạp, xe gắn máy tung chiêu đối phó với CSGT bằng cách mặc đồng phục xe ôm công nghệ, phân công nhau cảnh giới, xuống xe dắt bộ qua chốt,... Còn tài xế ô tô, cách được "ưa chuộng" nhất là cố thủ trong xe hoặc bỏ xe lại hòng thoát tội.

Bỏ xe, gọi vợ đến nhận cầm lái

Một tài xế ở Thanh Chương - Nghệ An vừa bị xử phạt 35 triệu đồng và tước GPLX 23 tháng vì không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Thông tin trên một số trang tin tức cho thấy, khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông có dấu hiệu say xỉn đã khóa cửa xe và rời bỏ khỏi "chốt" kiểm tra, điện thoại gọi vợ đến nhận là người cầm lái.

Muôn kiểu lách luật của dân nhậu khi bị kiểm tra nồng độ cồn a2

Người đàn ông có dấu hiệu say xỉn đã khóa cửa xe, gọi vợ đến nhận là người cầm lái

CSGT TP Vinh phải phối hợp với công an địa phương vận động người đàn ông này chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn nhưng không được. Cuối cùng, tổ công tác đã lập biên bản sự việc và niêm phong chiếc xe, đưa về trụ sở công an.

Cố thủ trên ô tô uống nước suốt 3 giờ

Cách đây khoảng 1 tháng, trên quốc lộ 5, CSGT Hải Dương đã dừng chiếc Fortuner biển kiểm soát 34A-125.07 để kiểm tra hành chính. Nhận thấy tài xế có dấu hiệu vừa sử dụng rượu bia. Cán bộ CSGT đã yêu cầu tài xế hợp tác kiểm tra nồng độ cồn.

Thế nhưng, tài xế này đã kéo kính, khóa cửa xe, ngồi cố thủ trong suốt 3 giờ và liên tục uống nước cho đến khi CSGT niêm phong chiếc xe và gọi xe cứu hộ đưa xe về trụ sở để xử lý thì tài xế mới chịu mở cửa bước ra ngoài.

Muôn kiểu lách luật của dân nhậu khi bị kiểm tra nồng độ cồn a5

Tài xế đã kéo kính, khóa cửa xe, ngồi cố thủ trong suốt 3 giờ khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Kết quả sau đó cho thấy tài xế trên xe không vi phạm nồng độ cồn. Mặc dù tài xế này nói sẵn sàng nộp phạt nhưng không thiện chí hợp tác khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ xe hay cung cấp thông tin cá nhân.

Thượng tá Hoàng Tiến Nam - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, người đã sử dụng rượu bia dù uống nhiều nước trong suốt 3h cũng không thể làm "âm tính" kết quả đo nồng độ cồn. Có thể tài xế trì hoãn việc đo nồng độ cồn để chờ người nhà mang giấy tờ hoặc có mục đích khác.

Với đối tượng trên, dù không vi phạm về nồng độ cồn nhưng có thể vi phạm lỗi xe hết hạn kiểm định, lỗi này sẽ được xác định khi tài xế cung cấp giấy tờ liên quan. Tổ công tác đã lập biên bản về việc tài xế không xuất trình giấy tờ xe, GPLX, đồng thời tạm giữ phương tiện.

Bỏ xe càng bị phạt nặng

Theo thiếu tá Đào Việt Long - Phó phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật dù ở vị trí nào đều bị lập biên bản. Trường hợp cố tình dắt bộ xe qua "chốt" vẫn bị kiểm tra đúng quy trình bởi trước khi dừng phương tiện, CSGT đã quan sát từ xa hoặc có hình ảnh ghi lại.

Việc xử lý được thực hiện đồng bộ với tất cả những ai có dấu hiệu vi phạm luật an toàn giao thông dù người đó mặc quần áo xe ôm công nghệ hay quần áo bình thường.

Trường hợp tài xế bỏ phương tiện lại, không hợp tác khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất. Thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh "chống người thi hành công vụ".

Nguồn ảnh: Internet

Đánh giá
0 (0 đánh giá)
loading
 
×

Nhập mã xác nhận

Bạn đã submit quá nhiều lần,
Hãy nhập mã xác nhận để tiếp tục.

Mã xác nhận
loading